Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tương Dương (Nghệ An): Thiếu nhà bán trú cho học sinh tiểu học

Đình Tuân - 15:52, 28/09/2021

Tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học ở vùng cao đã và đang mang lại hiệu quả khá tích cực như: Chất lượng dạy học được nâng lên, giảm thiểu rõ rệt tình trạng học sinh bỏ học. Tuy vậy, tại huyện Tương Dương (Nghệ An), do cơ sở hạ tầng thiếu thốn trầm trọng đã làm “khó” cho các trường trong việc bố trí chỗ ăn nghỉ cho học sinh.

Trường Tiểu học Mai Sơn là 1 trong 5 trường trên địa bàn huyện Tương Dương triển khai mô hình bán trú
Trường Tiểu học Mai Sơn là 1 trong 5 trường trên địa bàn huyện Tương Dương triển khai mô hình bán trú

Tương Dương (Nghệ An) là huyện miền núi cao, có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa hình bị chia cắt, phân tán, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt… Chính vì vậy, hệ thống trường học cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc manh mún trong quy hoạch các điểm trường, nhất là bậc tiểu học.

Hiện, huyện Tương Dương có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính đều từ 3 km trở lên, có những điểm lên tới 20km, giao thông đi lại rất khó khăn.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn Ngoại ngữ, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, 4, 5. Với quy mô trường lớp của cấp tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, việc bố trí đủ giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở tất cả các điểm trường là không thể thực hiện được, nhất là tại các điểm trường lẻ.

Một lớp học tại Trường Tiểu học Mai Sơn
Một lớp học tại Trường Tiểu học Mai Sơn

Trước thực tế đó, nhiều trường phải tổ chức gom học sinh vào các điểm chính để triển khai học bán trú. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 trường đang triển khai mô hình bán trú bậc tiểu học gồm Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lưu Kiền và Yên Thắng. Tuy nhiên, khi gom học sinh về học bán trú thì nhiều trường lại không đủ nhà ở bán trú cho học sinh.

Trường Tiểu học Mai Sơn, thuộc địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện rẻo cao Tương Dương. Năm học 2021 - 2022 toàn trường có 280 học sinh. Đa số các em đều là con em của những gia đình nghèo thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Nhiều bản cách điểm trường chính đến 12 km. Tại các bản Phá Kháo, Piêng Coọc, các em phải đi bộ mất 2 giờ đồng hồ mới đến được trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng quy mô trường lớp manh mún, năm học 2021- 2022, Trường Tiểu học Mai Sơn đã triển khai mô hình trường học bán trú bậc tiểu học cho các em học sinh lớp 3 đến lớp 5. Tuy nhiên, theo chia sẻ của thầy Đào Văn Hải, Hiệu trường Trường Tiểu học Mai Sơn: “Do cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường đã phải trưng dụng, cải tạo lại nhà kho để hàng hóa của một gia đình ở gần trường làm chỗ ở cho 120 em học sinh bán trú. Trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã huy động giáo viên cùng phụ huynh học sinh tổ chức tu sửa và làm sạp bằng tre, nứa, gỗ để lấy chỗ cho học sinh nằm ngủ. Mùa đông ở vùng biên giới này rất lạnh, không biết lấy đâu ra nước ấm cho các em tắm rửa hàng ngày. Rất mong chính quyền địa phương hay những nhà hảo tâm hỗ trợ lắp đặt cho nhà trường hệ thống nóng lạnh để phục vụ cho học sinh.”

Trường Tiểu học Mai Sơn phải trưng dụng nhà kho của một hộ dân ở gần khu vực trường rồi cải tạo làm nhà ở bán trú cho học sinh
Trường Tiểu học Mai Sơn phải trưng dụng nhà kho của một hộ dân ở gần khu vực trường rồi cải tạo làm nhà ở bán trú cho học sinh

Không chỉ thiếu chỗ ở cho học sinh, nhà trường còn thiếu 3 phòng học văn hóa, 1 phòng học Tin học, 1 phòng học tiếng Anh. Các vật dụng để phục vụ cho việc ăn, ở bán trú như giường tầng, khay đựng cơm, bàn ăn, ghế ngồi… đều thiếu thốn. Nếu không sớm được hỗ trợ cơ sở vật chất thì việc triển khai dạy Tin học, Ngoại ngữ cho học sinh khối lớp 3, 4, 5 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Trường Tiểu học Hữu Khuông, nhà trường đã phải trưng dụng lại những phòng học cũ để làm chỗ ở cho học sinh. Thầy Lê Tuyên Huấn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Hiện, nhà trường đang triển khai 2 điểm bán trú, một điểm bán trú tại bản Sàn và một điểm tại điểm trường chính ở Pủng Bón. Ở điểm trường chính thì di chuyển 7 phòng học bằng gỗ ở bản Con Phen sang dựng tạm. Còn ở bản Sàn thì thuận lợi hơn vì có sẵn 5 phòng học cũ. Giường nằm cho các em thì tự làm bằng sạp gỗ, sạp tre nứa hoặc giường tầng gia cố lại. Hiện, hệ thống bể tích nước và nhà vệ sinh là vấn đề nan giải nhất vì số lượng học sinh khá đông.”

Không có giường nên giáo viên và phụ huynh phải lấy, tre, nứa, gỗ để làm sạp cho các em nằm
Không có giường nên giáo viên và phụ huynh phải lấy, tre, nứa, gỗ để làm sạp cho các em nằm

Còn tại Trường Tiểu học Nhôn Mai thuận lợi hơn một chút vì đã có phòng ở kiên cố cho học sinh bán trú. Tuy vậy, vẫn có khoảng 50% số học sinh ở bán trú đang phải nằm ngủ trên sạp tre, nứa, gỗ do giáo viên và phụ huynh góp công làm.

Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: “Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học ở trên địa bà huyện đều đang thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dạy Ngoại ngữ, trang thiết bị dạy và học môn Tin học… Để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện Tương Dương đã xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có tổ chức bán trú cấp tiêu học trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hi vọng Đề án trên sớm được phê duyệt, triển khai để bảo đảm đời sống, điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.