Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tuyên Quang: Hiệu quả từ công tác giảm nghèo

Hồng Phúc – Việt Hà - 09:42, 14/10/2020

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có trên 66 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh, làm nhà ở với doanh số cho vay trên 2.600 tỷ đồng. Việc hỗ trợ hộ nghèo theo nhóm nguyên nhân đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chương trình vay bò trả bê ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo trên địa bàn.
Chương trình vay bò trả bê ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Khâu quan trọng đầu tiên được tỉnh Tuyên Quang xác định trong công tác giảm nghèo chính là tìm ra nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo kịp thời, hiệu quả. Do vậy, hằng năm, ngành LĐTB&XH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng thực hiện Chương trình giảm nghèo để tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp.

Sau khi xác định nguyên nhân nghèo sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh hộ nghèo gắn với thế mạnh phát triển kinh tế ở địa phương, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Các nhóm giải pháp được triển khai là hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người nghèo tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, học nghề, hỗ trợ về nhà ở... tạo động lực để hộ nghèo vươn lên.

Anh Sùng Seo Pao, dân tộc Mông, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn cho biết, trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, đất đồi có sẵn nhưng do không biết cách làm ăn, chăn nuôi nên cái nghèo cứ đeo bám. Từ năm 2017, gia đình anh được cán bộ xã, trưởng thôn đến tuyên truyền chính sách thoát nghèo, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được học nghề chăn nuôi. Anh đầu tư vào mua trâu sinh sản, mua cây keo, mỡ giống để trồng. Đến nay, đàn trâu của anh đã có 4 con và 5ha rừng phát triển tốt. Thu nhập của gia đình mỗi năm đạt khoảng 70 triệu đồng, đã trừ chi phí. Mới đây, gia đình anh đã làm đơn xin thoát nghèo.

Theo số liệu từ Sở LĐTB&XH tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 148.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, giúp các hộ gia đình khó khăn từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo nhóm... Với các giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hàng nghìn hộ dân giống anh Pao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được tạo nguồn sinh kế bền vững. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều những hộ gia đình tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. 

Thời gian qua Tuyên Quang cũng triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo như: Hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ con hộ nghèo trong học tập; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ người nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở nhằm xoá nhà tạm, nhà dột nát... Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.300 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở với kinh phí trên 145 tỷ đồng.

Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh Tuyên Quang giảm từ 27,8% đầu năm 2016 xuống còn 11,8% cuối năm 2019, bình quân hằng năm giảm 4%/năm, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và mục tiêu Nghị quyết số 46 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian tới đây, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế. Dự kiến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 10%.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.