Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hành trình thoát nghèo ở xã miền núi

Phương Lê - 10:19, 05/10/2020

Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) là xã miền núi đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Toàn xã có 867 hộ dân, với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó 2/3 dân số là người Ê Đê. Trước đây, người dân chủ yếu phát rừng làm rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn. Do vậy, công tác giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của địa phương.

Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hộ dân ở Krông Pa đầu tư nuôi bò hiệu quả và nhanh chóng thoát nghèo.
Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hộ dân ở Krông Pa đầu tư nuôi bò hiệu quả và nhanh chóng thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vay vốn

Theo báo cáo của UBND xã Krông Pa, giai đoạn 2011 - 2015, xã có 421 hộ nghèo với 2.041 nhân khẩu, chiếm 57,2%. Trước thực trạng khó khăn đó, UBND xã Krông Pa thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo ở địa bàn. Qua triển khai các mô hình giảm nghèo, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS về tập quán canh tác, sản xuất dần được thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được nâng lên.

Một trong những chương trình hiệu quả là cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi bò. Đơn cử như gia đình chị HVing H’Điếp và anh Ma Hà, khi cha mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, thông qua Hội Phụ nữ nhận vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Sơn Hòa, vợ chồng chị được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo để mua 2 con bò sinh sản. Vài năm sau bò đẻ ra bê, vợ chồng chị bán bớt 1 con để trả hết nợ. Sau đó, gia đình vay 25 triệu đồng vốn hộ cận nghèo phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2019, gia đình chị trả hết nợ cũ và tiếp tục được xét vay 50 triệu đồng diện hộ mới thoát nghèo.

Chị H’Điếp chia sẻ: Không thể ngờ chỉ gần 10 năm, từ chỗ là hộ nghèo, đến nay gia đình tôi đã xây được nhà ở, con cái được ăn uống, học hành tử tế. Nhà nước cho vay vốn, rồi làm đường, làm công trình thủy lợi cho bà con làm lúa nước… Chỉ ai làm biếng, không chịu bỏ sức lao động làm ăn mới nghèo thôi.

Cần thêm nhiều nguồn vốn hỗ trợ

Chủ tịch UBND xã Krông Pa Lê Văn Diễu cho biết: Toàn xã có 867 hộ dân, trong đó 2/3 là đồng bào DTTS. Hiện tại, cuộc sống của người dân nói chung, đồng bào DTTS xã miền núi Krông Pa nói riêng đã thật sự đổi khác. Số hộ nghèo cuối năm 2019 toàn xã còn 331/884 hộ, chiếm 37,44%. Thời gian tới, xã sẽ cố gắng phấn đấu bổ sung thêm nhiều nguồn vốn để thực hiện các chính sách giảm nghèo rộng khắp, giúp nhiều người hưởng lợi, nhằm giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Lê Trọng Khoan, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hòa cho hay: Hằng năm, thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hòa đã cho hàng trăm lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cho vay 579 lượt hộ, tổng vốn giải ngân hơn 6,8 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Có thể nói, một trong những điểm sáng đáng ghi nhận ở Krông Pa hiện nay là ý thức của người dân đã thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại mà tự thân muốn vươn lên thoát nghèo. “Khó khăn nhất ở địa phương hiện nay là không đủ nguồn vốn để hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất. Do vậy, giải pháp tìm nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất, là vấn đề quan trọng. Mong rằng, các cấp, ngành tạo điều kiện để người dân Krông Pa có thêm nguồn vốn sản xuất, chắc chắn một điều tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống nhanh chóng”, ông Diễu chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.