Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tuyên Quang: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đột phá phát triển vùng “lõi nghèo”

Khánh Thi - 19:46, 21/08/2024

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang có 50 xã khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và 658 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT. Với việc thực hiện hiệu quả Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG 1719, địa bàn “lõi nghèo” của tỉnh Tuyên Quang đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang (đứng thứ hai từ trái qua), thăm mô hình kinh tế ở xã Khâu Tinh, huyện Na Hang, nhân dịp xã đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ngày 09/8/2024
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang (đứng thứ hai từ trái qua), thăm mô hình kinh tế ở xã Khâu Tinh, huyện Na Hang, nhân dịp xã đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ngày 09/8/2024

Thông “huyết mạch” kinh tế

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Nhưng với vùng “lõi nghèo” của tỉnh, nhất là với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông là một chỉ tiêu vô cùng khó, nếu thiếu nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đơn cử như Chiêm Hóa, là huyện có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2021 - 2025. Toàn Huyện hiện có 14/26 xã khu vực III, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 165 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-TTg ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

“Điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chiêm Hóa là hạ tầng giao thông còn thiếu, nhất là giao thông nông thôn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chiêm Hóa, toàn huyện mới có khoảng 1.212/1.740,55 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; số km còn lại chưa được “cứng hóa” chủ yếu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện.

Khi “huyết mạch” chưa được khơi thông, nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Chiêm Hóa gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử thôn Phú Lâm (xã Bình Phú), nơi sinh sống của khoảng 102 hộ, với hơn 500 nhân khẩu (100% là đồng bào dân tộc Dao). Cuối năm 2020, thôn Phú Lâm vẫn còn 40 hộ nghèo, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Một trong những rào cản trên hành trình giảm nghèo của Phú Lâm là tuyến đường ra trung tâm xã (khoảng 5km) chưa được cứng hóa.

Từ năm 2021, thực hiện Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang, tuyến đường từ trung tâm xã Bình Phú vào thôn Phú Lâm được đổ bê tông. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đoạn Lung Lừa - Khau Hán, dài 352m chưa thực hiện được.

Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), đầu năm 2023, huyện Chiêm Hóa đã bố trí vốn để xã Bình Phú đổ bê tông 352m còn lại, “thông tuyến” Phú Lâm với trung tâm xã. Tuyến đường giao thông hoàn thành giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện.

Theo bà Quan Thị Chiêu, Chủ tịch UBND xã Bình Phú, tuyến đường Lung Lừa - Khau Hán thôn Phú Lâm là một trong 5 công trình giao thông trên địa bàn xã được đầu tư từ vốn Chương trình MTQG 1719, tính đến thời điểm này. Ngoài đầu tư hạ tầng, xã còn triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, nhà ở,... Chỉ riêng từ đầu năm 2024 đến nay, xã đã hỗ trợ nhà ở cho 05 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 12 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 45 hộ.

“Các dự án triển khai trên địa bàn đã tác động sâu sắc đến công tác giảm nghèo của xã. Hiện toàn xã còn 290 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 9,2%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025”, bà Chiêu, cho biết.

Cũng như xã Bình Phú, nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đang hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Tính đến hết tháng 5/2024, thực hiện Dự án 4 của Chương trình MTQG 1719, toàn Tỉnh đã đầu tư 178 công trình đường giao thông, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện mục tiêu làm 1.080km đường bêtông nông thôn và nội đồng trong giai đoạn 2021 – 2025, được đề ra trong thôn theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

Tuyến đường dài hơn 1,113km (nối hai thôn Nà Nhoi và Noong Tuông), xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa có tổng vốn trên 1,5 tỷ đồng thuộc Chương trình MTQG 1719 đang trong giai đoạn thi công.
Tuyến đường dài hơn 1,113km (nối hai thôn Nà Nhoi và Noong Tuông), xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa có tổng vốn trên 1,5 tỷ đồng thuộc Chương trình MTQG 1719 đang trong giai đoạn thi công

Làm mới diện mạo nông thôn

Cùng với đường giao thông, thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ở các xã khu vực III của tỉnh đã khác lên màu áo mới, với nhiều công trình, như: Thủy lợi, nước sinh hoạt, điện lưới, trường học, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng,... đã và đang được xây dưng.

Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc Tuyên Quang, tỉnh xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu đột phá để tạo chuyển biến căn bản ở vùng “lõi nghèo”. Do đó, khi triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt triển khai Dự án 4, với nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đúng địa bàn, trúng đối tượng.

Với tinh thần đó, việc thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt được những kết quả khả quan. Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, cho thấy, trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư xây dựng 264 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống ở các khu vực III, xã ATK và thôn đặc biệt khó khăn; năm 2023 là 419 công trình.

Năm 2024, theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh, Tuyên Quang sẽ khởi công xây dựng mới 136 công trình hạ tầng thiết yếu, từ vốn Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, thực hiện dự án đầu tư cơ sở vật chất cho Trường Đại học Tân Trào (xây dựng các công trình phục vụ học tập, sinh hoạt cho giáo viên và học sinh; mua sắm trang thiết bị hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập,...).

Nhân dân xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa tham gia vệ sinh trên tuyến đường giao thông trục thôn, liên thôn xã Yên Nguyên.
Nhân dân xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa tham gia vệ sinh trên tuyến đường giao thông trục thôn, liên thôn xã Yên Nguyên.

“Cùng với các chính sách khác thì việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo đột phát trong thực hiện mục tiêu giảm trên 4%/năm hộ nghèo người DTTS; đưa 08 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh”, Trưởng ban Dân tộc Tuyên Quang Ma Quang Hiếu, cho biết.

Sự phát triển ở những địa bàn đặc biệt khó khăn từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 góp phần quan trọng để Tuyên Quang hướng đến mục tiêu giàm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 10% vào cuối năm 2025. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi bởi 2 năm gần đây (2022, 2023), trong bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực khách quan, nhưng công tác giảm nghèo của Tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 trên địa bàn thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 14,03%. Trước đó, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 18,90% (theo Quyết định số 1989 /QĐ-UBND, ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh). Dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ giảm còn 10,95%.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Ma Quang Hiếu, thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, triển khai các chính sách đến với vùng DTTS của tỉnh đúng đối tượng thụ hưởng, để phát huy nguồn lực các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong vùng DTTS, từ đó đồng bào nắm rõ, hiểu sâu; tạo đồng thuận, chung tay, góp sức cùng tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719. 

Hiện nay, 100% xã vùng DTTS của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%. Đã có 9 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trở thành xã khu vực I. Từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn Tỉnh giảm trên 4%/năm.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.