Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình liên kết

Hoàng Quý - 18:52, 15/04/2021

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân Tuyên Quang ngày càng đảm bảo chất lượng, thu hút người tiêu dùng
Với việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân Tuyên Quang ngày càng đảm bảo chất lượng, thu hút người tiêu dùng

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, Tuyên Quang đã tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người trồng rừng tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 69 doanh nghiệp, hợp tác xã hợp tác, liên kết với nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Tiêu biểu là chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ cam sành của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, gồm 16 hộ dân tham gia, với hơn 50ha trên địa bàn xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang). Để tham gia trồng và tiêu thụ cam bền vững, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì…; doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đạt kết quả cao, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Được biết trước đây, người dân ở HTX Phong Lưu chỉ trồng cam sành theo phương pháp truyền thống, chất lượng kém, năng suất đạt thấp, tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái. Từ năm 2014, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của huyện, tỉnh, các hộ dân đã chuyển sang trồng theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, HTX còn đứng ra ký hợp đồng với các đối tác cung cấp đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) và bao tiêu đầu ra cho các thành viên.

“Nhờ có chuỗi liên kết mà giá bán luôn ổn định, thu nhập của các thành viên đạt trung bình 200 - 300 triệu đồng/năm, có hộ lãi tới 700 triệu đồng/năm”, ông Nông Văn Nghiệp, Giám đốc HXT Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu phấn khởi chia sẻ.

Hay như chuỗi liên kết sản xuất ngô của Trang trại chăn nuôi bò Hồ Toản, với người dân xã Quyết Thắng (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng đang giúp người trồng ngô nhàn hạ hơn rất nhiều. Theo đó, Trang trại chăn nuôi bò Hồ Toàn không chỉ cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn người dân kỹ thuật, mà mỗi vụ thu hoạch còn đưa xe vào từng nhà thu gom, bao tiêu sản phẩm.

Ông Phạm Văn Chiến (xã Quyết Thắng) phấn khởi thông báo, với mức gía thu mua ổn định khoảng 820 - 850 nghìn đồng/tấn, với 10 sào ngô của gia đình canh tác đều 1 năm 3 vụ cho thu trên 55 triệu đồng mà không phải vất vả khâu thu hoạch, phơi phóng như khi trồng ngô lấy hạt.

Ngoài ra, một số chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao và đang được khuyến khích nhân rộng, như liên kết trồng chè nguyên liệu, liên kết trồng rừng nguyên liệu, …

Có thể thấy, việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, giải quyết đầu ra. Đây là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Sản xuất theo chuỗi còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu, tổ chức sản xuất bài bản, nâng cao chất lượng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng VietGAP và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đưa hộ sản xuất vào các HTX, sản xuất theo quy trình từ giống, phân bón, kỹ thuật đồng nhất, để tạo ra sản phẩm giống nhau, đầu ra đặt hàng theo doanh nghiệp, HTX…



Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình dân sinh không ngừng được đầu tư, hoàn thiện; Nhiều mô hình sinh kế hình thành và đã phát huy hiệu quả..., góp phần cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.