Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

UNESCO phát động chiến dịch truyền thông “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”

T.Hợp - 20:33, 05/08/2021

Trong tháng 8 và tháng 9/2021, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phát động chiến dịch truyền thông “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” trên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số sau đại dịch bằng những câu chuyện truyền cảm hứng.

UNESCO phát động chiến dịch truyền thông “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”

Chiến dịch toàn cầu #KeepingGirlsinthePicture - “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” do Liên minh Giáo dục toàn cầu phát động nhằm bảo đảm việc học tập của trẻ em gái không bị gián đoạn trong thời gian đóng cửa trường học, thúc đẩy môi trường an toàn cho trẻ em gái khi các cơ sở giáo dục mở cửa trở lại, đồng thời kêu gọi nỗ lực bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái.

Tại Việt Nam, chiến dịch được triển khai trong khuôn khổ dự án “Chúng tôi Có thể - Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn”, thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Dự án do UNESCO phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc triển khai, với sự hỗ trợ của tập đoàn CJ của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát động chiến dịch truyền thông “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” trên mạng xã hội. Qua đó, thu thập các câu chuyện từ cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống của chúng ta và là cầu nối mang những câu chuyện đó tới trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, tại Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng - địa bàn dự án “Chúng tôi Có thể”.

Những câu chuyện này cũng sẽ được chia sẻ và đăng tải trên trang Facebook “UNESCO Office in Viet Nam”, nhằm lan tỏa tới cộng đồng những điều tích cực, có ý nghĩa và hướng tới mục tiêu “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái”.

Theo UNESCO, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã khiến trường học phải đóng cửa và gây ra sự gián đoạn giáo dục lớn nhất trong lịch sử. Trên thế giới, có hơn 1,5 tỷ học sinh bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó, có hơn 767 triệu học sinh là nữ giới. Hơn 11 triệu học sinh nữ- từ bậc mầm non đến đại học, có thể sẽ không trở lại trường học trong năm 2021.

Con số đáng báo động này không chỉ đe dọa những tiến bộ về bình đẳng giới đã đạt được trong nhiều thập kỷ mà còn khiến trẻ em gái trên toàn cầu đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em, bị kết hôn cưỡng ép và trở thành nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực.

UNESCO gửi lời mời tới tất cả những ai quan tâm đồng hành cùng chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” bằng cách chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng. Đó có thể là những câu chuyện về nỗ lực học hành dẫn đường tới đích đến mơ ước, hay những tiếc nuối nhìn lại một cánh cửa học đường ai đó đã bỏ qua, để rồi lỡ đi khát khao của mình. UNESCO khuyến khích những nội dung phá vỡ định kiến giới như lựa chọn nghề nghiệp không phân biệt giới tính, v.v. Hãy gửi câu chuyện bằng tiếng Việt trong giới hạn 500 đến 800 từ, cùng một bức ảnh minh họa đến địa chỉ thư điện tử hanoi@unesco.org tới hết ngày 05/9/2021.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.