Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phụ nữ Thủ đô nỗ lực tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

PV-CĐ - 23:10, 29/06/2021

Những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em có chiều hướng gia tăng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc toàn xã hội. Nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Phụ nữ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ TP. Hà Nội đã luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Một buổi hội thảo, tập huấn do Hội LHPN TP. Hà Nội tổ chức về vai trò của phụ nữ tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em
Một buổi hội thảo, tập huấn do Hội LHPN TP. Hà Nội tổ chức về vai trò của phụ nữ tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền PBGDPL về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại, thậm chí trở thành nạn nhân của tình trạng mua bán người. Ðể khắc phục triệt để tình trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em.

Cuối năm 2020, Hội LHPN TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình "Truyền thông chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới nơi công cộng" tại huyện Chương Mỹ nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố.

Tại buổi phát động, các cấp hội cơ sở đã cam kết tham gia tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, gia đình văn minh - hạnh phúc; nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình thực hiện bình đẳng giới, mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Đặc biệt, buổi phát động cũng đã đưa ra những tư vấn, hỗ trợ phụ nữ kỹ năng tự bảo vệ khi bị bạo lực gia đình; chủ động tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em; Phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng phát hiện, tham gia giải quyết các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, các vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ổn định trật tự xã hội tại địa phương…

Bên cạnh đó, Hội LHPN TP. Hà Nội cũng đã tổ chức cuộc thi Online "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em" trên trang Fanpage của Hội với hơn 23 nghìn người tham gia; duy trì, nhân rộng và xây dựng mới nhiều mô hình phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em như: Mô hình Hội đồng Tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; 51 tổ "Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em"; 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 110 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 15 câu lạc bộ "Phòng chống mua bán phụ nữ trẻ em"; tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 230.000 phụ nữ trên địa bàn.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tư vấn pháp luật cho hội viên huyện Mỹ Đức.
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tư vấn pháp luật cho hội viên huyện Mỹ Đức.

Xây dựng nhiều mô hình từ cơ sở

Ngoài truyền thông, Hội LHPN các cấp đã xây dựng hàng chục mô hình khác nhau để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khi không may bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, nổi bật là mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Hiện, TP. Hà Nội đã xây dựng được 1.990 "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng". Các quận, huyện triển khai tốt mô hình này là: Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoài Ðức, Gia Lâm... Trong đó, quận Thanh Xuân đã xây dựng mô hình "Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng" ở 11 phường.

Các địa chỉ này không chỉ tư vấn, hỗ trợ kiến thức liên quan đến gia đình, nuôi dạy con, phòng, chống bạo lực cho chị em, mà còn là điểm tựa khi phụ nữ và trẻ em bị bạo hành. Tính trên toàn địa bàn, các địa chỉ này đã tư vấn, hỗ trợ gần 100 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân, mâu thuẫn cộng đồng; tổ chức trợ giúp pháp lý cho gần 600 phụ nữ; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn trong môi trường mạng xã hội cho hơn 35 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ…

Đại diện Hội LHPN TP. Hà Nội và huyện Phú Xuyên, xã thăm, tặng sữa cho các cháu trường mầm non Phú Túc (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên)
Đại diện Hội LHPN TP. Hà Nội và huyện Phú Xuyên, xã thăm, tặng sữa cho các cháu trường mầm non Phú Túc (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên)

Tại huyện Phú Xuyên, Hội LHPN Thành phố đã xây dựng thí điểm mô hình "Làng quê an toàn" tại xã Phú Túc từ tháng 5/2020. Mô hình "Làng quê an toàn" bao gồm 12 tiêu chí an toàn và 5 yếu tố cần thiết, cụ thể, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; ngăn ngừa bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm… Từ ngày triển khai mô hình đến nay, người dân được tuyên truyền về bình đẳng giới để điều chỉnh hành vi ứng xử với phụ nữ, phụ nữ không chỉ được hướng dẫn, giúp đỡ để bảo vệ mình mà còn tham gia vào các hoạt động xây dựng làng quê đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục khó khăn, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế...

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, nhưng những hiện tượng xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là xâm hại tình dục vẫn xảy ra. Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trên địa bàn Thành phố, từ năm 2015 đến giữa năm 2019 đã phát hiện có 655 trẻ em bị xâm hại, trong đó 253 trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, sự bền vững của gia đình, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Nạn nhân của bạo lực, xâm hại có nguy cơ chịu nhiều di chứng suốt đời, tổn hại sức khỏe, thể chất, tính mạng, tinh thần. Vì thế, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng chống nguy cơ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em phải được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các ngành các cấp, của toàn xã hội, chứ không chỉ của riêng ai. Có như thế, tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em mới được giảm thiểu và hạn chế. Phụ nữ và trẻ em mới được bảo vệ và phát triển toàn diện, lành mạnh…

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.