Huyện Bình Gia có nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế từ cây hồi. Mỗi năm, cây hồi cho quả hai vụ là hồi mùa và hồi tứ quý, mỗi vụ kéo dài 3-4 tháng. Đây được coi là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, trước đây người dân chủ yếu trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp, sản lượng hồi không ổn định, cùng với đó theo thời gian, diện tích hồi già cỗi, thoái hóa khá lớn. Bên cạnh đó, một số diện tích trồng hồi trên địa bàn huyện bị sâu bệnh hại nên bị giảm năng suất, chất lượng.
Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi.
Theo bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Gia, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương hỗ trợ các hộ trồng hồi tham gia dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi... Các dự án cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi đều thành công, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trọng việc nâng cao chất lượng, sản lượng hoa, quả hồi.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Bình Gia đã triển khai 20 mô hình, dự án với tổng diện tích hơn 524 ha, cụ thể như mô hình ứng dụng và nhân rộng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 40 ha, tại các xã: Minh Khai, Quang Trung, Hồng Thái...; dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 484,6 ha tại các xã: Hoa Thám, Hưng Đạo, Thiện Hòa, Thiện Thuật... Hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón lá, bổ sung nguyên tố trung lượng, vi lượng; phun thuốc bệnh loại bỏ tác nhân cản trở quá trình ra hoa, hình thành quả của cây hồi, góp phần khắc phục hiện tượng cây hồi ra hoa không đậu quả hoặc đậu quả ít.
Theo đó, các hộ dân tham gia mô hình, dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi được hỗ trợ cây giống để trồng mới; hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ vật tư để chăm sóc diện tích cây hồi đã có. Đánh giá kết quả triển khai mô hình cho thấy, năng suất cây hồi được nâng lên rõ rệt, đạt 6 tấn/ha, gấp 3 lần so với trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống.
Anh Hoàng Văn Vinh, xã Tân Văn, huyện Bình Gia phấn khởi cho biết: Từ năm 2020, gia đình tôi tham gia mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển trên 1ha rừng hồi. Gia đình tôi đã được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hồi như cách bón phân vi sinh, phun chế phẩm sinh học...
"Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, diện tích hồi phát triển tốt hơn, cho năng suất cao và hạn chế được các bệnh thán thư, rụng lá... Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được trên 2 tấn hoa hồi tươi, mang lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm" anh Vinh cho biết.
Song song với việc cải tạo chất lượng cây hồi, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân quan tâm mở rộng diện tích, trồng mới thay thế các diện tích rừng hồi già cỗi, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Điển hình như cuối năm 2023, huyện triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây hồi tại xã Quang Trung với tổng diện tích 46,6 ha, gồm 31 hộ tham gia.
Ông Hoàng Văn Luyến, thôn Bằng Giang, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia cho biết: Nhờ được cán bộ khuyến nông tập huấn về cách chăm sóc cây hồi, người dân chúng tôi có thêm kiến thức để áp dụng vào chăm sóc cây hồi mang lại năng suất, chất lượng cao hơn.
Việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển cây hồi đã góp phần nâng cao chất lượng cây hồi của huyện Bình Gia. Hiện nay, toàn huyện có gần 11.500 ha hồi; sản lượng hồi khô toàn huyện năm 2023 đạt hơn 5.000 tấn, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng.