Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa Chăm trên đại ngàn Tây Nguyên

Lê Hường - 15:38, 21/01/2020

Di chỉ khảo cổ (đồ đá, gốm, đồ đồng...) được phát hiện và công bố cho thấy, hàng nghìn năm trước, con người Tây Nguyên đã có sự giao thoa, gần gũi với cư dân vùng Duyên hải miền Trung. Từ những di tích hiện hữu đến những phế tích và các cổ vật tìm thấy trong lòng đất đã chứng minh văn hóa Chăm đã xuất hiện sớm trên vùng đất đỏ bazan này.

Bức phù điêu tượng Phật được công nhận Bảo vật quốc gia và những hiện vật của người Chăm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Bức phù điêu tượng Phật được công nhận Bảo vật quốc gia và những hiện vật của người Chăm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Từ tháp Chăm duy nhất còn hiện hữu

Nằm khuất sâu giữa cánh rừng già thuộc thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đăk Lăk), tháp Yang Prong là di tích duy nhất còn nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa huyền bí, cổ kính thâm nghiêm của người Chăm trên vùng đất Cao nguyên. Tháp cao khoảng 9m như búp hoa khổng lồ vươn lên từ một khu nền hình vuông, mỗi chiều rộng 5m. Toàn bộ tháp cổ được xây dựng bằng gạch nung đỏ, không có dấu hiệu của mạch vữa, chỉ một cửa thật duy nhất ở phương Đông hướng về mặt trời mọc, ba mặt còn lại là cửa giả. 

Qua nhiều tài liệu còn lưu giữ cho thấy, các nhà nghiên cứu của người Pháp đã sớm có những chuyến điền dã, khám phá ngôi tháp này từ đầu thế kỷ XIX. Họ cho rằng, ngôi tháp của người Chăm từ đồng bằng Duyên hải miền Trung Việt Nam lên xây dựng vào cuối thế kỷ XIV; trong ngôi tháp này khi đó có thờ linh vật Linga -Yoni theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm. Còn theo các chuyên gia trong nước, tháp Yang Prong được xây dựng bởi nhà vua Chăm Pa lúc đó là Java Sinhavaman III (tức Chế Mân, chồng của công chúa Huyền Trân) khoảng năm 1258 - 1259. 

Tháp Yang Prong được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991. Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để trùng tu di tích tháp Yang Prong với nhiều hạng mục như: Trùng tu, gia cố khung thép khu vực chung quanh tháp chính, xây dựng tường rào bao quanh, láng nền bằng xi măng với tổng diện tích 1.200m2, trồng cỏ, đặt ghế đá trong khuôn viên khu vực tháp. 

Anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Ea Súp cho biết: Trước đây, quanh tháp Yang Prong rất nhiều bát nhang, miếu thờ, rác ngập chân tháp. Ba năm nay các cơ sở Đoàn thay phiên nhau dọn dẹp hằng tuần, trồng thêm những cây gỗ qúy gồm hương, cẩm, xưa đỏ, sao… Khu vực tháp Chăm không còn những bát nhang ngổn ngang, trả lại không gian sạch, đẹp cho ngôi tháp cổ kính.

Tháp Chăm Yang Prong ở huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk
Tháp Chăm Yang Prong ở huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk

Đến những phế tích được khai quật

Ngoài di tích tháp Chăm Yang Prong, nhiều phế tích được phát hiện, khai quật trong những năm qua cũng đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh người Chăm sớm có mặt trên vùng đất Tây Nguyên. Những phế tích được tìm thấy rải rác ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Ở Đăk Lăk có tháp Yang Prong (huyện Ea Súp), quần thể kiến trúc Chăm (huyện Krông Ana); tháp Yang Mum, đền Drang Lai, thành Quai King và Kon Klor TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum… với những hiện vật vô cùng quý giá.

Còn tại Gia Lai, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày 2 bức phù điêu tượng Phật và nhiều hiện vật văn hóa Chăm được tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ tại địa phương. Trong đó, một bức phù điêu Phật Chămpa đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định là một trong những bảo vật quốc gia ngày 25/12/2017.

Một nhân viên Bảo tàng Gia Lai cho biết: bức phù điêu tượng Phật này được người dân địa phương tìm thấy năm 1978 ở khu vực huyện Ayun Pa nay thuộc địa phận thị xã Ayun Pa. Năm 1988 bức phù điêu được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Đến năm 1992 Bảo tàng tỉnh Gia Lai công bố trong Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học. 

Phù điêu tạc hình một pho tượng Phật, xung quanh là khung hình lá bồ đề trên phiến đá hình chữ nhật màu xanh xám. Tượng Phật thể hiện tư thế tọa thiền ngồi xếp bằng, 2 tay đặt trước bụng, ngón tay duỗi thẳng, gan bàn tay ngửa lên trên,... Phía sau bức phù điêu được khắc 4 dòng chữ Chăm cổ dọc theo phiến đá. Các nhà nghiên cứu nhận định, những dòng chữ này thuộc loại chữ Nam Ấn, có niên đại thế kỷ VI - VII. Đây là hiện vật độc bản, đánh dấu sự hiện diện rất sớm của văn hóa Chăm trên vùng đất Tây Nguyên.

Sau bức phù điêu Phật, năm 2006, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phát hiện di tích tháp Chăm Bang Keng tại khu vực xã Krông Năng (huyện Krông Pa), nơi đã tìm thấy bức phù điêu tượng Phật. Tuy ngôi tháp đã bị sập đổ hoàn toàn phần trên, nhưng sau khi khai quật phần chân móng giới chuyên môn đã xác định được tháp có hình vuông, cửa mở về hướng Đông, niên đại khoảng thế kỷ VII - VIII. 

Không chỉ hiện hữu bằng những di tích, hiện vật, văn hóa Chăm còn giao thoa trong văn hóa các dân tộc địa phương. Già làng K’sor Nét, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Người Jrai ở thung lũng Ayun Pa, tỉnh Gia Lai gọi tháp Yang Mum là Yă HMum. Ngày nay, khi thực hiện những nghi lễ truyền thống, đồng bào Jrai vẫn gọi Yă HMum, Dran Lai… cùng về dự lễ như những vị thần của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.