Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa dân tộc Cơ Tu trước cơ hội được bảo tồn, phát triển

Minh Ngọc - 05:49, 02/11/2022

Để triển khai thực hiện Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, TP. Đà Nẵng đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu giai đoạn 2022-2030 với tổng kinh phí 31,3 tỷ đồng. Đề án vừa được UBND Thành phố phê duyệt, tạo điều kiện phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu

Đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang.
Đồng bào Cơ Tu tại Đà Nẵng tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang.

Khai thác văn hóa để phát triển du lịch

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu sinh sống chủ yếu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Cộng đồng người Cơ Tu ở Hòa Bắc hiện có hơn 240 hộ dân với hơn 740 nhân khẩu. Tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú có khoảng 130 hộ với hơn 500 khẩu sinh sống. Đây là khu vực đồi núi, nằm ở phía Tây TP. Đà Nẵng, tiếp giáp với các huyện Đông Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, giao thông gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, UBND huyện Hòa Vang đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu” tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Dự án này đã đầu tư nâng cấp, cải tạo 3 nhà Gươl thôn với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, nhằm phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa, phong cảnh, làng bản ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Địa phương bước đầu phục dựng các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật múa cồng chiêng, múa tung tung da dá, tìm hiểu các loại cây thuốc, kể chuyện bản làng… Một số món ăn đặc sản của đồng bào Cơ Tu như ốc suối, cá liên, rượu cần, bánh sừng trâu, cơm lam, thịt trâu gác bếp, gỏi hoa chuối rừng, măng chua… đã có mặt trên các mâm cơm đãi khách. Hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo sinh kế bền vững.

Để công tác bảo tồn, phục dựng văn hóa Cơ Tu tiếp tục phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện đồng hành, kết nối, khuyến khích người dân khôi phục nghề truyền thống, xây dựng hoạt động trình diễn, bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ kết hợp dịch vụ giới thiệu ẩm thực. Theo ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, thư giãn, UBND xã Hòa Bắc sẽ tiếp tục tìm hiểu mô hình tắm lá thuốc, xông hơi cổ truyền và đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch.

Thời gian qua, chính quyền huyện Hòa Vang còn tổ chức cho người dân địa phương đi tham quan, học tập cách làm du lịch tại các Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu vùng cao; phục dựng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa”, “Mừng lúa mới”; tập huấn, khôi phục nghề nấu rượu cần, điêu khắc tượng gỗ và các kỹ năng cần thiết gắn với phát triển du lịch.

Một góc xã Hòa Bắc (huyện Hoà Vang) yên bình, hoang sơ, sông Cu Đê uốn mình thơ mộng
Một góc xã Hòa Bắc (huyện Hoà Vang) yên bình, hoang sơ, sông Cu Đê uốn mình thơ mộng

Ngoài ra, các cấp chính quyền còn tích cực phối hợp với Ban điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam triển khai xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu” tại xã Hòa Bắc với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, Đề án này đã thực hiện nhiều chương trình như xây dựng 2 bản hương ước bảo vệ rừng; tập huấn cho đồng bào Cơ Tu về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo không gian tốt thu hút khách du lịch; thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng; mua cồng chiêng, trang phục truyền thống hỗ trợ nhóm văn nghệ...

Đầu tư bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030, với tổng kinh phí dự kiến hơn 31,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và vận động xã hội hóa. Các chính sách hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa trợ bảo tồn, phát huy về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ di sản văn hóa và Người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa; bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống...

Theo Đề án, đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong công tác trao truyền di sản văn hóa, đào tạo những người kế cận.

Theo Đề án, đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả.
Theo Đề án, đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả.

Cùng với đó, 100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ Tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. 100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng các CLB văn hóa - văn nghệ truyền thống; được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60 -70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) được học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp với đồng bào.

UBND TP Đà Nẵng giao Sở Văn hóa - Thể thao là cơ quan thường trực giúp Thành phố triển khai thực hiện Đề án, nghiên cứu đề xuất Thành phố ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công trong công tác bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện vận động đồng bào bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc...

Sở Du lịch tổ chức các đoàn khảo sát điểm du lịch văn hóa, cộng đồng của đồng bào DTTS; kết nối với Hiệp hội Du lịch Thành phố, các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng trong và ngoài nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phổ biến kiến thức chung về văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu dưới hình thức một môn học hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật vận động hội viên tham gia các hoạt động sưu tầm, sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về dân tộc Cơ Tu...

UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, các sở, ban, ngành xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với văn hóa truyền thống của người Cơ Tu trên địa bàn; định kỳ tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu; phối hợp với Sở Du lịch tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào DTTS.

Đề án được thực hiện ở 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.