Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu độc trên không gian mạng

Văn Hoa - Phạm Việt - 22:18, 24/10/2023

Thời gian qua, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, với tính chất “mở”, mạng xã hội đã có không ít những thông tin xấu độc, không được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, là cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Trước tình hình đó, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn những thông tin xấu độc…

Ông Lương Văn Vị - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo, hoạt động Ban Chỉ đạo 35 năm 2023 (Ảnh TL)
Ông Lương Văn Vị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo, hoạt động Ban Chỉ đạo 35 năm 2023 (Ảnh TL)

Ngăn chặn các thông tin xấu độc

Văn Lãng là một huyện miền núi biên giới, tỷ lệ hộ DTTS chiếm 96,54%. Đồng bào DTTS và miền núi được coi là “vùng trũng” trong tiếp cận thông tin, pháp luật, “sức đề kháng”, khả năng nhận diện với các thông tin xấu độc còn hạn chế. Do đó, công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn, xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng; lan tỏa các thông tin chính xác, tích cực về những thành tựu của huyện Văn Lãng nói riêng, của tỉnh Lạng Sơn và đất nước nói chung là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Theo đó, huyện Văn Lãng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Ban Chỉ đạo “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Ban Chỉ đạo 35) của huyện, đã phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm đấu tranh, ngăn chặn những thông tin xấu độc… Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng Nhân dân.

Theo thống kê mới nhất của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu), đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% tổng dân số). Trong đó, số người dùng mạng xã hội đạt 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Thời gian sử dụng internet trung bình hằng ngày (trong độ tuổi 16 - 64) là 6 giờ 47 phút, trong đó 2 giờ 21 phút là thời gian cho mạng xã hội.

Đơn cử như năm 2022, huyện Văn Lãng đã phát hiện, khởi tố 2 vụ lợi dụng công nghệ thông tin mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội; tấn công, vô hiệu hóa 02 bài viết, video, website, tài khoản mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc; xử phạt hành chính 01 vụ 03 đối tượng có hành vi sử dụng Giấy đăng ký xe không có cơ quan, thẩm quyền cấp thông qua mua bán trên mạng xã hội; 01 trường hợp đăng tải nội dung không phù hợp, xúc phạm đến lực lượng cảnh sát giao thông….

Để làm tốt công tác ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội, hằng năm, Huyện ủy quan tâm tổ chức các hội nghị tập huấn công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn, xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng. Qua lớp tập huấn, giúp các đại biểu nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó, nâng cao khả năng nhận biết đối với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. 

Công an huyện Văn Lãng tuyên truyền Luật ATGT, phòng chống ma túy, lừa đảo trên mạng Internet cho các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Hồng Thái. (Ảnh TL)
Công an huyện Văn Lãng tuyên truyền Luật ATGT, phòng chống ma túy, lừa đảo trên mạng Internet tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Hồng Thái. (Ảnh TL)

Để làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn các thông tin xấu độc trên không gian mạng, Ban Chỉ đạo 35 huyện, đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy triển khai nhiều giải pháp như: phát triển, mở rộng lực lượng tham gia đấu tranh trên các nhóm kín; tăng cường hoạt động các trang fanpage chính thống; tổ chức hội nghị tập huấn để nâng cao kỹ năng, trình độ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, cùng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này…

 Ban Chỉ đạo 35 cũng đã chỉ đạo 100% chi, đảng bộ trực thuộc thành lập các nhóm trên không gian mạng để triển khai nhiệm vụ, trong tất cả các nhóm đều có cán bộ của Ban Tuyên giáo Huyện ủy để theo dõi, đôn đốc và tư vấn, giúp đỡ khi cần thiết; chỉ đạo các đơn vị thành lập trang, nhóm facebook công khai  với mục đích tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa các thông tin mang tính chính trị, thời sự, gương người tốt, việc tốt để lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Chỉ đạo 35 huyện Văn Lãng và các ngành trong khối khoa giáo đã tích cực, chủ động phối hợp tham mưu cấp ủy lãnh đạo huyện Văn Lãng, thực hiện tốt việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực công tác tuyên truyền. Điển hình như, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện và cơ sở đã tổ chức được 1.963 buổi tuyên truyền, với trên 59.000 lượt người nghe; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân với 21 lớp, trên 1.400 học viên...

Tại các trường học, Công an huyện Văn Lãng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về phòng, chống lừa đảo, khả năng nhận diện các thông tin xấu độc trên mạng Internet và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm này cho các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Thông các các buổi tuyên truyền, đã giúp cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường hình thành những kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, nhận biết các thông tin xấu độc và thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, với những thông tin xấu độc trên không gian mạng trong phạm vi địa bàn, Ban Chỉ đạo 35 huyện kịp thời xử lý, không để các thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật  lan truyền gây hoang mang dự luận. 


Báo Dân tộc và Phát triển là một trong những “kênh” thông tin chính thống, quan trọng đối với đồng bào DTTS (Trong ảnh: Người có uy tín Lô Văn Khải, xã Tân Thanh (ở giữa) tìm hiểu các thông tin trên Báo Dân tộc và Phát triển)
Báo Dân tộc và Phát triển là một trong những “kênh” thông tin chính thống, quan trọng đối với đồng bào DTTS (Trong ảnh: Người có uy tín Lô Văn Khải, xã Tân Thanh (ở giữa) tìm hiểu các thông tin trên Báo Dân tộc và Phát triển)

Hiện nay huyện Văn Lãng đang tích cực thực hiện Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 27/02/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Trong đó, huyện Văn Lãng đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị như: Báo Dân tộc và Phát triển (Ủy ban Dân tộc), Báo Lạng Sơn, Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện, trang thông tin điện tử huyện… đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng không gian mạng nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới; những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của đồng bào các DTTS và miền núi; thông tin chính thống về hiệu quả trong thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc, trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện Văn Lãng nói riêng, của tỉnh Lạng Sơn và đất nước nói chung tới đồng bào DTTS, để Nhân dân tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước…


Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.