Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Văn Lãng (Lạng Sơn): Thực hiện tốt công tác dân tộc để nâng cao cuộc sống người dân

Văn Hoa - 06:10, 21/11/2023

Là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Lạng Sơn, đồng bào DTTS chiếm 96,54%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (10,64%), huyện Văn Lãng luôn xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc có vai trò rất quan trọng. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Lãng đã luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.

Đồng chí Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng
Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Xác định được tầm quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân ở địa bàn vùng khó khăn, huyện Văn Lãng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở, tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác dân tộc và công tác xây dựng hệ thống Chính trị cơ sở ở vùng đồng bào DTTS như: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; các quyết định về chính sách đặc thù; các Chương trình MTQG; gần đây là Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719)…Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ̣trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc từ huyện đến cơ sở luôn đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất. 

Theo báo cáo kết thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc huyện Văn Lãng từ năm 2016 đến nay. Đối với chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực, Ngân sách Trung ương (NSTW) bố trí được 1.655,6 triệu đồng cho các chương trình, dự án, nội dung. 

Cụ thể như, huyện Văn Lãng đã tổ chức 76 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, thôn bản ĐBKK cho 4.176 học viên. Trong đó, 4 lớp tập huấn cán bộ cấp xã với 305 học viên; 73 lớp tập huấn cho cán bộ thôn và người dân với 3.891 học. Thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng về cơ bản đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ năng lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia có hiệu quả vào các Chương trình, dự án trên địa bàn.

Huyện Văn Lãng đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã hỗ trợ trực tiếp mua các loại giống cây trồng, phân bón, vật nuôi, tổng vốn NSTW hỗ trợ là 13.049 triệu đồng, vốn huy động đối ứng của hộ dân tham gia dự án 8.806 triệu đồng với 10.248 lượt hộ tham gia (trong đó có 7.216 hộ nghèo, 2.723 hộ cận nghèo, 289 hộ mới thoát nghèo; 20 hộ người DTTS) thuộc các thôn ĐBKK, xã ĐBKK và xã biên giới được thụ hưởng Chương trình 135…

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, công tác dân tộc, diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Văn Lãng từng bước đổi thay tích cực
Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, công tác dân tộc, diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Văn Lãng từng bước đổi thay tích cực

Năm 2020, huyện Văn Lãng triển khai thực hiện 4 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 3 xã Hồng Thái, Bắc Hùng, Trùng Khánh, từ nguồn vốn đầu tư sự nghiệp NSTW, tổng vốn 1 tỷ đồng. Trong đó: 2 dự án “chăn nuôi gà” tại xã Hồng Thái và Bắc Hùng, với 148 hộ tham gia; 2 dự án “hỗ trợ trồng cấy dược liệu” (cây Cát sâm) tại xã Trùng Khánh, với 80 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia”.

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, huyện Văn Lãng đã thực hiện hỗ trợ cho 650 hộ gia đình nghèo khó khăn về nước sinh hoạt (téc trữ nước sinh hoạt và vòi dẫn nước) và 250 hộ nghèo thực hiện chuyển đổi nghề…

Cùng với đó, công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh trực tiếp đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hộ nghèo, hộ cận nghèo như: vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thủy lợi...

Tập trung triển khai Chương trình MTQG 1719

Hiện nay, huyện Văn Lãng đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Trong các năm từ 2021-2023, huyện được giao NSTW 133 tỷ 835 triệu đồng thực hiện triển khai 10 Dự án. Nguồn vốn hỗ trợ triển khai thực hiện các nội dung, thành phần của các dự án, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt đời sống kinh tế của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện giảm từ 29,67 % năm 2015, hiện nay xuống còn 10,64% theo chuẩn nghèo mới (trong đó hộ nghèo là người DTTS chiếm tới 99,69%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn vẫn còn có những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương của tỉnh, huyện về thực hiện công tác dân tộc có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, còn thiếu sót. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số thôn vùng ĐBKK còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. 

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động sự tham gia đóng góp của cộng đồng đối với việc thực hiện một số dự án, chính sách chưa được nhiều. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước …

Nhờ được hưởng các chế độ chính sách, đặc biệt từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã giúp gia đình anh Hứa Văn Hải, thôn Nà Sỏm, xã Bắc La, huyện Văn Lãng thoát nghèo.
Nhờ được hưởng các chế độ chính sách, đặc biệt từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã giúp gia đình anh Hứa Văn Hải, thôn Nà Sỏm, xã Bắc La, huyện Văn Lãng thoát nghèo.

Theo bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, để thực hiện tốt công tác dân tộc, cấp ủy và chính quyền huyện Văn Lãng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Giúp đỡ cơ sở tháo gỡ những khó khăn, đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong tổ chức thực hiện. Qua đó đánh giá được hiệu quả việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án ở vùng DTTS...

"Đối với Chương trình MTQG 1719, là một Chương trình với những chính sách rõ ràng, cụ thể và rất ưu việt, với nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay đầu tư, hỗ trợ cho vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS phát triển toàn diện. Do đó, thời gian tới, huyện Văn Lãng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn từ Chương trình MTQG 1719 nhằm từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, vùng biên giới đặc biệt khó khăn, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng Bế Thị Vẫn nhấn mạnh.

Văn Lãng có 17 đơn vị hành chính (16 xã, 1 thị trấn), trong đó có 5 xã biên giới tiếp giáp với Thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc, với đường biên dài hơn 36km. Huyện có 8 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực I và 8 xã khu vực III; có 161 thôn, khu phố; tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 56.741,34 ha; dân số trên 50 nghìn người, có 4 dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, Kinh, Hoa và một số ít dân tộc khác cùng sinh sống.