Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Tịnh Biên vui hội chùa Rô

N.Tâm – H.Diễm - 15:30, 21/09/2022

Tịnh Biên là huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh An Giang. Qua việc thực hiện các chính sách đặc thù dành cho vùng đồng bào DTTS, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã khấm khá hơn; diện mạo phum, sóc ngày càng được khởi sắc, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì và phát huy giá trị.

Từ sáng sớm hàng nghìn người đổ về chùa Rô để trẩy hội
Từ sáng sớm hàng nghìn người đổ về chùa Rô để trẩy hội

Chúng tôi trở lại với chùa Rô, nơi hàng năm các chùa Khmer và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động mừng lễ Sen Dolta năm 2022, chứng kiến sự náo nhiệt của Lễ hội đua bò và cấy lúa của đồng bào Khmer.

Hội đua bò và cấy lúa, là một trong những lễ hội mang đậm dấu ấn của văn hóa dân tộc Khmer vào dịp lễ Sene Dolta hàng năm ở vùng Tịnh Biên. Với người dân Khmer địa phương, Hội đua bò chùa Rô đã trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc trước ngày lễ Sen Dolta thiêng liêng. Bởi thế, già trẻ, trai gái đều muốn đến với hội đua bò để hò reo, cổ vũ cho các “nài bò” giành chiến thắng.

Có mặt từ sáng sớm, Sư cả chùa Rô Chau Sóc Khonl cho biết: Đây là lễ hội truyền thống của chùa đã được duy trì nhiều năm nay. Năm nào, vào dịp lễ Sene Dolta nhà chùa cũng phối hợp cùng UBND huyện Tịnh Biên để tổ chức sân chơi truyền thống, lành mạnh, bổ ích cho bà con phật tử. Còn có ý nghĩa tái hiện độc đáo nguồn gốc lịch sử của bộ môn đua bò, vốn được hình thành từ những nông dân Khmer đi cày ruộng công đức cho các chùa.

Màn chào sân của các đôi bò chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài
Màn chào sân của các đôi bò chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài

Năm nay, Hội đua bò chùa Rô có 18 đôi bò tranh tài, dù số lượng ít hơn năm trước, nhưng do ban tổ chức đã chủ động giảm bớt các đôi bò yếu từ vòng loại nên chất lượng của giải đua năm nay khá cao, các trận tranh tài hấp dẫn, hào hứng hơn.

Trên sân đua, các đôi bò có dịp được bung sức hết cỡ bằng những cú nước rút ngoạn mục. Mỗi lần các đôi bò bứt phá, tăng tốc, là hàng ngàn khán giả lại có dịp reo hò, cổ vũ trong âm nhạc dân tộc, tiếng hét của những người điều khiển trên đường đua để thúc bò bứt phá về đích. Qua làn nước bắn tung tóe, các đôi bò lao đi vun vút đúng với tính chất của một cuộc đua tốc độ. Những nài bò vốn khá lành tính vào ngày thường, thì nay bỗng trở nên quyết liệt, miệng hét vang, tay cầm xà lun đốc thúc bò lao tới.

Hội cấy lúa được đông đảo đồng bào hưởng ứng
Hội cấy lúa được đông đảo đồng bào hưởng ứng

Ông Chau Khươl, một “nài bò” cho biết, theo thể thức thi đấu 1 vòng hô, 1 vòng thả với tổng đoạn đường thi đấu khoảng 400m, các nài bò phải tính toán thời điểm tăng tốc thích hợp để giành chiến thắng. Có những đôi bò khởi đầu khá ấn tượng, nhưng lại “tạt” ra khỏi đường đua, leo lên bờ ruộng khi gần đến đích, khiến khán giả phải một phen “hú vía” và tiếc nuối cho "nài bò" và cũng không thể không bật cười khi chứng kiến cảnh tượng ngây ngô của những chú bò đua.

Qua những màn tranh tài sôi nổi, đôi bò của ông Chau Văn (xã An Cư) đạt giải nhất Hội đua bò chùa Rô năm nay. Ông Chau Văn chia sẻ: “Đoạt được hạng nhất trong hội đua bò năm nay tôi vui lắm. Bõ công lâu nay bất kể nắng mưa để chăm sóc, uốn nắn đôi bò”.

Các vị sư sãi cùng đồng bào tham gia Hội cấy lúa
Các vị sư sãi cùng đồng bào tham gia Hội cấy lúa

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, đôi bò của xã nào thắng giải cao sẽ mang đến cho xã đó nhiều niềm vui và may mắn và báo hiệu có một vụ mùa bội thu. Sau khi thắng cuộc những cặp bò được xem như một tài sản quý của gia đình và cả xã.

Ngoài lễ hội đua bò, chùa Rô còn tổ chức hội thi cấy lúa, với ý nghĩa tái hiện lại nét đẹp lao động, gợi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên đã khai khẩn đất hoang, chuyên cần chăm sóc tạo ra những mùa màng tốt tươi nuôi sống bao thế hệ. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để nhiều du khách gần xa biết đến chùa Rô một ngôi chùa nơi vùng đất còn khó khăn, nhưng vẫn giữ gìn được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.