Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Về vùng Cùa nghe nói chuyện trồng cây đặc sản

Thanh Nguyễn - 15:51, 11/06/2021

Không chỉ là vùng đất mà vua Hàm Nghi chọn xây thành Tân Sở đánh Pháp; Cùa còn được biết đến với những gốc chè cổ thụ hàng trăm tuổi, cây hồ tiêu nức tiếng và hàng ngàn ha cao su cho giá trị cao. Vùng Cùa, thuộc hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) hôm nay, đang vươn mình để thành một vùng kinh tế mới với nhiều loại cây chủ lực trong chiến lược phát triển của Quảng Trị.

Những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên vùng đất Cùa
Những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên vùng đất Cùa

Trên con đường thảm nhựa non 10km từ trung tâm huyện Cam Lộ về Cùa, khi vượt qua những ngọn đồi, đến bình nguyên đất đỏ ba zan cây trái trù mật, chúng tôi càng cảm nhận rõ sức sống mãnh liệt của vùng đất từng hứng chịu bom đạn của chiến tranh. Cùa vừa có những cây trồng gắn với lịch sử vùng đất, nhưng cũng đã có những sản phẩm vươn mình ra thế giới.

Những gốc chè là "chứng nhân" lịch sử

Đến Cùa, chúng tôi thật ngỡ ngàng trước những gốc chè cổ kính thụ, sừng sững, mốc thếch theo tháng năm. Cụ Trương Vĩnh Ký (94 tuổi) ở thôn Trung Chỉ, xã Cam Chính kể: Tôi lớn lên, đã thấy cây chè xanh tốt trước vườn. Vườn nhà tôi vẫn còn giữ lại hơn 200 gốc chè, gắn liền với thế hệ ông, cha. Nhờ có vườn chè này mà tôi có thêm nguồn thu nhập hàng ngày để sống lúc về già.

Mỗi năm, chè được thu hái và bán 2 lần, giá chè từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Những thương lái từ nhiều vùng khác nhau, tìm về Cùa, tự hái chè để mua. Họ khệ nệ khiêng những chiếc thang dài, gác lên thân chè rồi thi nhau hái hết cây này đến cây khác. Người vùng Cùa cho biết: Gần đây sản phẩm chè hút khách. Chè được tư thương tự hái và mua tại vườn. Có lẽ bởi chè ở đây có vị ngọt thơm tự nhiên, nước chè có màu trong xanh, có thể pha đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn còn đậm vị.

Về vùng đất Cùa, lạc vào những vườn chè cổ thụ cao lớn rợp bóng xanh mướt, cứ ngỡ như lạc vào một miền cổ tích xa xăm. Những thân chè vững chãi, rêu phong đã nhuốm màu thời gian và trải qua bao thăng trầm của lịch sử tựa như những nhân chứng sống về lịch sử của miền đất Cùa. 

Những cụ cao niên trong làng kể lại: Cùa là vùng dân góp từ các nơi đến khai hoang, làm ăn sinh sống từ hàng trăm năm trước. Theo bước chân khai hoang lập làng của các bậc tiền nhân, cây chè cũng từ đó mà xuất hiện. Có những gốc chè ở đây ước chừng đến 250 năm.

Dẫu cây chè chưa là cây trồng chủ lực nhưng do là cây trồng mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương nên toàn xã vẫn có khoảng hơn 30 hộ trồng chè chuyên canh. Mỗi hộ có diện tích trồng chè phổ biến khoảng từ 1.000 - 1.500 m2, trong đó có khoảng 10 hộ dân hiện vẫn gìn giữ, nâng niu được vườn chè cổ thụ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh nói rằng: Vùng Cùa đang có đến hàng ngàn gốc chè cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm. Quảng Trị có 3 vùng chè gồm Hải Lăng, Hướng Hóa và Cùa, thì chè Cùa là giống bản địa khi uống cho vị chát, sau ngọt, màu nước đẹp. Trong lộ trình gìn giữ cây chè bản địa, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là niềm tự hào của vùng đất gắn với phát triển du lịch, ông Thanh cho biết đang nghiên cứu để mở rộng thêm diện tích bằng việc khuyến khích người dân đầu tư chăm bón, thu hút cơ sở chế biến…

Thế mạnh vùng đất Cùa

Bức tranh kinh tế ở Cùa, không chỉ là những vườn chè cổ thụ hiếm có mà hơn thế, sức sống của vùng Cùa còn được phủ xanh bởi những đồi cao su bạt ngàn, những vườn hồ tiêu xanh mướt.

Từ lâu, cây cao su, hồ tiêu ở Cùa đã là cây trồng chủ lực của huyện, của tỉnh và mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, cây cao su đã phủ kín hơn 2.000ha ở Cam Chính và Cam Nghĩa; còn cây hồ tiêu đã ngót nghét 400ha. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phạm Viết Thanh không dấu nổi niềm vui: Giá trị kinh tế từ cao su và hồ tiêu lớn lắm. Đây là hai loại cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của Quảng Trị, là cây làm giàu của bà con nơi đây.

Cây hồ tiêu đã trở thành cây phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây
Cây hồ tiêu đã trở thành cây phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây

Cây hồ tiêu trên đất Cùa chất lượng cao lại được giá, thế nên diện tích hồ tiêu ở Cùa đã được mở rộng mỗi năm từ 20-30ha. Sản phẩm tiêu Cùa đã được Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có mặt trong 50 siêu thị của hệ thống Coopmart trên toàn quốc và ở thị trường nhiều nước.

 Để ổn định vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng cây hồ tiêu vùng Cùa, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp các doanh nghiệp chế biến nông sản, hỗ trợ người dân tham quan học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tạo giống, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường...

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hồ hởi mà rằng: Năm 2014, chính sản phẩm tiêu Cùa đã đạt được giải thưởng Chất lượng quốc tế thế kỷ. Từ đây đã mở ra một cánh cửa mới để sản phẩm tiêu Quảng Trị tiếp cận được với thị trường châu Âu và châu Mỹ, giúp nâng cấp giá trị của cây tiêu.

Còn với cao su, diện tích loại cây này ở Cùa đã chiếm một nửa huyện Cam Lộ. Thời điểm hiện tại, người trồng cao su ở Cùa đang khấp khởi vì được giá cao. Từ 2020 về trước, giá mủ cao su khô chỉ đạt 25-30 triệu đồng/tấn, thì hiện nay đã lên 43-45 triệu đồng/tấn và mủ nước cũng tăng từ 8.000-10.000 lên 15.000-17.000 đồng/kg. Ông Phạm Viết Thanh cười rõ tươi: Giá mủ cao su trên địa bàn tăng hơn 40% so với những năm trước. Huyện cũng đã thành lập được 5 nhóm liên kết, tiêu thụ mủ cao su, mỗi nhóm từ 20-30 thành viên. Các nhóm này đã ký điều khoản bán sản phẩm cho nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, với những điều khoản có lợi. Còn nông dân được thu mua sản phẩm ổn định, lâu dài, được hỗ trợ thuốc chống đông, máng che mưa…

Cũng bởi là cây trồng chủ lực, cho kinh tế cao thế nên chẳng lạ khi mà ở Cùa đã có nhà máy thu mua và chế biến mủ cao su, đã có những hợp tác xã thu mua và chế biến hồ tiêu phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Và nhìn từ giá trị thu nhập của những loại cây chủ lực, đủ để thấy tiềm năng, thế mạnh đất Cùa đến mức nào.

Rời vùng Cùa, chúng tôi mang theo một một niềm tin, một tâm trạng háo hức. Nói như ông Trưởng phòng NN&PTNT Phạm Viết Thanh, đến Cam Lộ mà chưa có chè Cùa, tiêu Cùa thì coi như chưa đến; càng tin rằng vùng Cùa sẽ ngày một phát triển và tiến xa. Lãnh đạo huyện Cam Lộ cũng sẽ có những chủ trương, chính sách để mời gọi đầu tư, khai thác tốt hơn tiềm năng và lợi thế của một vùng đất.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 7.536 tỷ đồng

Đắk Lắk: Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 7.536 tỷ đồng

Vừa qua, ngày 17/4 Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã tổ chức phiên họp đánh giá kết quả hoạt động trong quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì phiên họp. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh.