Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vì một mùa vải ngọt lành, không Covid-19

Đại Khánh - 15:54, 04/06/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các huyện: Tân Yên và Lục Ngạn (vùng trọng điểm sản xuất vải thiều) xây dựng vùng vải an toàn dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo này, 2 huyện nêu trên đã khẩn trương vào cuộc, với mục tiêu hình thành vùng vải không Covid-19, tiêu thụ thuận lợi.

Vợ chồng chị Lộc thu hoạch vải
Vợ chồng chị Lộc thu hoạch vải

Xây dựng vùng vải không Covid-19

Gia đình chị Diệp Thị Lộc, thôn Đồng Trắng, xã Mỹ An (Lục Ngạn) có 500 cây vải. Dự kiến vụ này thu hơn 10 tấn quả. Do chăm sóc tốt nên trà vải sớm của gia đình mẫu mã đẹp, bán được giá. “Hôm nay, nhà tôi hái 2,5 tạ vải, thu về hơn 4,2 triệu đồng”, chị Lộc phấn khởi chia sẻ với chúng tôi.

Cùng với gia đình chị Lộc, thời điểm này, nhiều gia đình trồng vải thiều sớm Bắc Giang đang bước vào thu hoạch rầm rộ. Mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ hơn 2 nghìn tấn vải. Tính đến ngày 1/6/2021, tổng sản lượng vải tiêu thụ ước đạt 18.000 tấn, giá bán bình quân dao động từ 20.000-32.000đ/kg (thấp nhất là 12.000 đ/kg, giá cao nhất là 55.000 đ/kg); trong đó lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Campuchia 5.000 tấn.

Để có được kết quả như vậy, một trong những điểm mấu chốt được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang xác định là loại bỏ những yếu tố nguy cơ  dịch bệnh ra khỏi vùng sản xuất vải tập trung. Đó là, những ca F0, F1 đều được cách ly tập trung; các tuyến giao thông vào vùng sản xuất vải thiều đều có các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn, ngăn chặn dịch bệnh. Các thương nhân, lái, phụ xe, lao động đến thu mua vải thiều đều được test nhanh vi rút SARS-CoV-2 để loại bỏ các nguy cơ.

Tại Lục Ngạn, huyện trọng điểm với hơn 120 nghìn tấn vải trong vụ này, đã lập 7 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến giao thông chính vào huyện. UBND huyện giao cho Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện chủ trì thực hiện. Mỗi chốt có từ 7-8 thành viên, bao gồm các lực lượng: Quân sự; Công an huyện, xã; y, bác sĩ Trung tâm Y tế Lục Ngạn và dân quân các xã.

Thiếu tá Mai Gia Thái, Trợ lý Ban CHQS huyện Lục Ngạn, Trưởng chốt số 1 trên QL 31, thôn Ải, xã Phượng Sơn, tiếp giáp với huyện Lục Nam cho biết, trung bình mỗi ngày có hơn 700 xe tải (chưa kể xe con), xe máy vào Lục Ngạn. Các trường hợp khi đo thân nhiệt trên 37,5 độ C đều được nhân viên của chốt ghi số điện thoại, địa chỉ, báo lên cấp trên để xử lý hoặc buộc cá nhân đó phải trở về nơi xuất phát. 

Tất cả người tỉnh ngoài đến đều được ghi chép thông tin trong sổ nhật ký. Ngoài ra, Lục Ngạn đã thành lập hơn 100 tổ tự quản phòng, chống dịch Covid-19 và hơn 100 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các thôn, xã, tổ dân phố trên địa bàn. Các tổ, chốt này có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm phòng, chống dịch do UBND tỉnh, huyện đề ra với mục tiêu: “Lục Ngạn không Covid-19, bảo vệ vùng vải an toàn”.

Tìm hiểu tại huyện Tân Yên, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Toàn cho biết,  ngay từ giữa tháng 5, Tân Yên đã triển khai phương án xây dựng vùng vải an toàn dịch bệnh Covid-19. Huyện xác định bảo vệ các vùng sản xuất vải tập trung tại các xã Phúc Hòa, Liên Sơn, thị trấn Cao Thượng, Hợp Đức. Theo đó, đã có 7 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập tập trung tại các tuyến đường liên xã nối với các xã này. Các chốt có lực lượng trực 24/24 giờ, phun khử khuẩn phương tiện vào vùng vải; khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt người qua lại. 

“Huyện đã trích ngân sách mua khoảng 3 nghìn bộ kít test nhanh vi rút SARS-CoV-2. Chủ yếu dành cho các lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải thiều”, ông Toàn nói.

Một điểm thu mua vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa, Tân Yên
Một điểm thu mua vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa, Tân Yên

Nhờ làm tốt các khâu chuẩn bị, phòng, chống dịch nên ngày 26/5/2021, UBND huyện Tân Yên đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức “Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản năm 2021”. Tại đây, đoàn xe của các doanh nghiệp đã chở 20 tấn vải sớm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Lượng vải xuất khẩu được doanh nghiệp mua của người trồng giá 55.000 đồng/kg.

Sử dụng linh hoạt các kịch bản tiêu thụ vải

Đến nay, các dịch vụ phụ trợ phục vụ mùa vải đã được kích hoạt tại Bắc Giang. Vải sớm thu hoạch được gần 50%. Tuy nhiên, dự báo việc tiêu thụ vải cả vụ sẽ rất khó khăn vì dịch Covid-19 nên Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ. Kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi nên lượng vải xuất khẩu đạt 50% sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Thái Lan, EU… Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, 30% xuất khẩu. Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. 

Tỉnh sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước, tại các chợ đầu mối lớn dự kiến lên đến 80 nghìn tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30 nghìn tấn; các DN chế biến xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn. Còn lại tiêu thụ vải tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại và sấy khô và chế biến khác.

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến thời điểm này, việc thông quan nông sản đang diễn ra thuận lợi. Tại các cửa khẩu, lực lượng hải quan tăng giờ làm việc, ưu tiên cho vải thiều thông quan đầu tiên. Tỉnh Bắc Giang đã thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Các tổ có nhiệm vụ nắm bắt, thông tin, hướng dẫn và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu. Vì vậy, Bắc Giang sẽ sử dụng linh hoạt các kịch bản để vải thiều được tiêu thụ thuận lợi.

Lễ xuất hành đoàn xe chở vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Lễ xuất hành đoàn xe chở vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

Cùng với phòng, chống dịch, Bắc Giang đã đề nghị, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh; đồng thời đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư hỗ trợ, cho phép lưu thông đối với các phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của Bắc Giang. Với cách làm sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các địa phương, người dân, Bắc Giang sẽ có thêm một mùa vải thiều ngọt lành, an toàn dịch bệnh, tiêu thụ thuận lợi.

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond

SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond

Nhằm hỗ trợ các khách hàng dễ dàng hiện thực hóa ước mơ sở hữu tổ ấm sung túc, hạnh phúc trọn vẹn tại dự án căn hộ cao cấp NewTown Diamond (Đà Nẵng), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) triển khai chương trình Cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.