Mâm lễ chay cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh: minh họaTết Nguyên Tiêu, hay còn gọi là Rằm tháng Giêng, không chỉ là dịp lễ đánh dấu đêm Rằm đầu tiên của Năm mới âm lịch mà còn là thời khắc linh thiêng để con người hướng về cội nguồn và tìm kiếm sự an lành, may mắn cho cả năm.
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, câu nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” như một lời khẳng định về giá trị đặc biệt của ngày Tết Nguyên tiêu.
Vậy điều gì đã tạo nên sức mạnh tâm linh vượt trội của ngày Rằm này so với những nghi thức cúng lễ khác trong năm? Hãy cùng khám phá những lý do sâu xa đằng sau điều này.
Nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu
Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của Năm mới, “Nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Rằm tháng Giêng được tính từ giữa đêm 14 (đêm trước Trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm Trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch.
Trong đạo Phật, Tết Nguyên tiêu là ngày lễ quan trọng, các Phật tử tin rằng ngày Rằm tháng Giêng là ngày mà ánh sáng từ bi của Phật có pháp lực mạnh mẽ, phổ chiếu nhân gian, do đó có câu “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" hoặc "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.”
Trong Đạo giáo mà người Việt chịu một phần ảnh hưởng, lễ cúng Rằm tháng Giêng còn được gọi là lễ Thượng nguyên.
Ở các triều đại phong kiến xưa, triều đình đều tổ chức lễ Thượng Nguyên rất long trọng, Hoàng đế trực tiếp làm chủ lễ, cầu mong cho thiên hạ thái bình, quốc thái dân an, người người an lạc.
Ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống tâm linh của người Việt
Với người Việt, những thời khắc đầu tiên trong năm rất quan trọng, đó là ngày mùng 1 tháng Giêng - Tết Nguyên đán và ngày Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu.
Dân gian tin rằng đêm Trăng tròn đầu tiên của Năm mới sẽ hội tụ linh khí mạnh nhất, là thời điểm linh thiêng để sở cầu như ý, mang lại may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình trong cả năm.
Lễ Rằm tháng Giêng được tổ chức long trọng ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Người dân ngoài thực hiện lễ cúng tại nhà còn đi lễ chùa, lễ đền, cúng dường, phóng sinh, làm nhiều việc thiện. Nhiều nhà chùa và các cơ sở thờ tự cũng tổ chức lễ cầu an đúng vào ngày này.
Thời điểm cúng Rằm tháng Giêng
Cúng Rằm tháng Giêng tại gia phải đủ lễ (có thể cúng chay hoặc cúng mặn) và cúng vào ngày giờ đẹp. Người xưa cho rằng lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức từ 11h-13h) ngày chính Rằm (15/1 Âm lịch). Đây được cho là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Ngày nay, để phù hợp hơn với nhịp sống bận rộn của xã hội hiện đại, thời gian và cách thức thực hiện lễ cúng Rằm tháng Giêng cũng đã có những biến đổi linh hoạt, không nhất thiết phải cúng đúng ngày.
Chẳng hạn như năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ Tư, ngày 12/2 Dương lịch. Nhiều gia đình nếu không sắp xếp cúng được đúng ngày thì có thể làm lễ cúng Rằm tháng Giêng trước 1-2 ngày, vào 13 hoặc 14 tháng Giêng đều được, cốt là ở lòng thành.
Người dân Hà Nội đi lễ Rằm tháng Giêng tại Chùa Trấn Quốc mong cầu bình an. Ảnh: minh họaDâng sao giải hạn hay cầu an?
Vào ngày Rằm tháng Giêng, người Việt còn có phong tục dâng sao giải hạn, thường thực hiện ở chùa, đền. Nhiều người tin rằng nếu năm nay bị sao xấu chiếu thì lễ dâng sao giải hạn sẽ giúp giải tai ách, xua đuổi rủi ro, tai qua nạn khỏi.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc cúng sao giải hạn không phải văn hóa Phật giáo. Ở nước ta, từ thời kỳ tam giáo đồng nguyên (thời Lý-Trần), các tập tục của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo có sự hòa hợp nên việc cúng dâng sao giải hạn không chỉ được tổ chức tại các đình, đền mà đã dung nạp vào nhiều ngôi chùa cùng với nghi thức cầu an.
Với mong muốn hóa giải những sao xấu “chiếu mệnh,” ngày càng có nhiều người đăng ký tại các chùa, đình, đền... với các khoản phí nhất định để làm lễ dâng sao giải hạn đã khiến phong tục này bị biến tướng, gây tốn kém và lãng phí mà không có ý nghĩa thực sự ngoài cảm giác yên tâm về tâm lý.
Các nhà nghiên cứu khẳng định dâng sao giải hạn không hề có tác động đến các ngôi sao để từ đó thay đổi "số phận người bị sao chiếu." Để tránh được hạn, hãy nghĩ thiện và làm việc thiện bởi số phận của mình do chính mình tạo nên.
Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng hay đi lễ đầu năm để cầu may, cầu an là tín ngưỡng tốt đẹp và thiêng liêng cần được thực hành một cách đúng đắn.