Toàn cảnh Nhà máy nước sinh hoạt Hữu ĐứcCận cảnh người dân thiếu nước sạch sinh hoạt
Sáng sớm ngày 06/5/2025, có mặt tại Nhà máy nước Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, chúng tôi ghi nhận nhân viên quản lý đưa vòi nước từ nhà quản lý ra ngoài bờ tường cho người dân các thôn Thành Đức, Tân Đức chạy xe máy đưa can đến lấy nước chở về sinh hoạt gia đình. Do nhiều người lấy nước nhưng chỉ có một vòi cung cấp nên bà con đứng chờ đến lượt lấy nước.
Chất 3 can nước lên xe chuẩn bị rời địa điểm lấy nước, anh Vạn Ngọc Sơn, 41 tuổi, ở thôn Thành Đức chia sẻ: ”Tuy Nhà máy nước Hữu Đức có phân lịch cung cấp nước cho khách hàng sử dụng nước, nhưng do nhà tôi ở trên vùng đất gò cao, nguồn nước yếu không đẩy lên tới được đường ống nước của gia đình. Tôi sắp xếp công việc chạy xe máy khoảng một cây số tới Nhà máy chở vài can nước về nhà sinh hoạt. Mong sao tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt sớm chấm dứt để người dân đỡ vất vả”.
Sau anh Vạn Ngọc Sơn, đến lượt chị Thạch Thị Ngọc Diệu (37 tuổi, trú thôn Tân Đức) lấy nước, đổ đầy ba chiếc bình loại 20 lít. Vừa múc nước, chị Diệu chia sẻ: “Trước khi kênh Nam bị đóng, dù nước từ Nhà máy nước Hữu Đức chảy yếu nhưng vẫn về được đến nhà, chỉ cần mở vòi là có. Từ ngày 25/4 đến nay, khi đơn vị quản lý thủy nông đóng nước kênh Nam để nạo vét, nước không còn chảy tới nhà tôi cũng như nhiều hộ dân ở xa Nhà máy”.
Kênh Nam đóng nước để tiến hành nạo vét, tu sửa từ 25/4 đến 10/5/2025Trao đổi với chúng tôi, ông La Văn Điểm, Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức cho biết, toàn thôn hiện có 803 hộ với 3.925 nhân khẩu, đều là đồng bào Chăm. Do kênh Nam đóng nước định kỳ vào mùa khô để tu sửa, Nhà máy nước Hữu Đức không đủ nguồn nước thô để xử lý, dẫn đến việc cung cấp nước sạch bị gián đoạn. Nhà máy đã thông báo lịch cấp nước luân phiên, Ban Quản lý thôn cũng phổ biến rộng rãi để người dân chủ động tích trữ. Tuy vậy, khoảng 20% số hộ trong thôn vẫn thiếu nước sinh hoạt do áp lực nước yếu, buộc người dân phải đến tận Nhà máy lấy nước mang về dùng, chờ đến khi kênh Nam được mở trở lại.
Rời khu dân cư Tân Đức, chúng tôi tìm đến thôn Hữu Đức – nơi đặt Nhà máy nước sinh hoạt cung cấp chủ yếu cho người dân xã Phước Hữu. Gặp lại Người có uy tín Hán Văn Ba, ông cho biết: “Lệ thường hằng năm, khi kênh Nam đóng nước để tu sửa, nạo vét, Nhà máy nước Hữu Đức phải giảm công suất, nước chảy yếu, không đủ cung cấp cho các thôn Thành Đức và Tân Đức. Riêng thôn Hữu Đức có 759 hộ với 3.972 nhân khẩu, do ở gần Nhà máy nên vẫn có nước sinh hoạt, nhưng bà con phải sử dụng thùng chứa để tích trữ”.
Anh Vạn Ngọc Sơn ở thôn Thành Đức lấy can đựng nước từ Nhà máy nước Hữu Đức Theo ông Ba, nước uống cho đàn gia súc vẫn được đảm bảo trong mùa khô nhờ vào hai nguồn nước tự nhiên là hồ Bàu Zôn (dung tích 1,69 triệu m³) và ao Mu Lâm. Ông nhiệt tình dẫn đường đưa chúng tôi đến tận nơi “mục sở thị” ao Mu Lâm, nằm cách trung tâm thôn khoảng 2km về phía Tây. Ao đầy nước, nhiều người dân giăng câu, thả lưới đánh cá. Đàn trâu, dê được chăn thả xa khu dân cư, chủ yếu uống nước từ ao Mu Lâm và hồ Bàu Zôn.
Đề xuất nâng cấp nhà máy nước
Trao đổi với ông Nguyễn Học, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi được biết, xã Phước Hữu hiện có hai nhà máy nước do Trung tâm quản lý và điều hành là Nhà máy nước Hữu Đức và Nhà máy nước Hậu Sanh. Trong đó, Nhà máy Hữu Đức đi vào hoạt động từ năm 2007 với công suất 1.200m³/ngày đêm; Nhà máy Hậu Sanh vận hành từ năm 2008, công suất 763m³/ngày đêm. Cả hai nhà máy được đấu nối liên thông, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 4.061 hộ dân với tổng số 18.971 nhân khẩu ở sáu thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức, Mông Đức, La Chữ và Hậu Sanh.
Chị Thạch Thị Ngọc Diệu ở thôn Tân Đức lấy nước vào bình, chở về nhà để sinh hoạt Khi kênh Nam đóng nước để phục vụ công tác duy tu định kỳ, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận sử dụng nguồn nước thô bơm từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để cấp cho tám nhà máy nước nằm trên tuyến kênh này, gồm: Phước Thiện, Liên Sơn, Phước An, Hoài Trung, Đá Trắng, Phước Hậu, Hữu Đức và Hậu Sanh, với tổng công suất 7.378m³/ngày đêm. Tuy nhiên, nguồn nước này chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất của các nhà máy, nên Trung tâm phải xây dựng lịch cấp nước luân phiên trong thời gian đóng nước. Đại diện Trung tâm mong người dân chia sẻ khó khăn với đơn vị cung cấp nước.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết: Hệ thống thủy lợi kênh Nam dài 39,5km, đi qua 9 xã, thị trấn thuộc huyện Ninh Phước. Ngoài cấp nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt, kênh Nam còn đảm bảo tưới tiêu cho 6.800ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau vụ Đông Xuân 2024 - 2025, Công ty tiến hành đóng nước từ ngày 25/4 đến 10/5/2025 để duy tu, nạo vét - công việc định kỳ hằng năm nhằm chuẩn bị cho vụ Hè Thu 2025. Trước khi đóng nước, đơn vị đã thông báo đến các cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để người dân chủ động tích trữ nước sử dụng trong thời gian 15 ngày sửa chữa kênh.
Người có uy tín Hán Văn Ba cho biết, ao nước Mu Lâm, bảo đảm cung cấp đủ nước uống cho đàn gia súc ở xã Phước HữuTrước tình trạng thiếu nước sinh hoạt do việc đóng nước tu sửa kênh Nam, sáng 05/5/2025, lãnh đạo xã Phước Hữu đã tổ chức gặp gỡ, động viên một số hộ dân ở thôn Tân Đức, kêu gọi bà con chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương. Ông Đặng Ngọc Bình, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu cho biết, các nhà máy nước trên địa bàn được xây dựng và đưa vào sử dụng đã gần 20 năm, đến nay công suất không còn đáp ứng được nhu cầu dân cư đang ngày càng phát triển. Do đó, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Phước Hữu rất mong lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống nhà máy nước sinh hoạt, nhằm bảo đảm nguồn nước sạch ổn định, phục vụ đời sống người dân địa phương.