Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sơ kết 2 năm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn tại Gia Lai

Hà Anh - 08:26, 03/08/2024

Mới đây, tại Tp. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 2 năm triển khai đề án, vùng nguyên liệu cơ bản hình thành rõ nét, phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 2 năm triển khai đề án, vùng nguyên liệu cơ bản hình thành rõ nét, phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng.

Đồng chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và Gia Lai; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia đề án.

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn đoạn 2022 - 2025 được thực hiện với quy mô 166,8 ngàn ha cây trồng trên địa bàn 46 huyện của 13 tỉnh với tổng kinh phí là 2.467 tỷ đồng.

Sau 2 năm triển khai, vùng nguyên liệu cơ bản hình thành rõ nét, phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng. Cụ thể, đã hoàn thành 82/131 km đường giao thông; 0,6/6,03 km kênh mương; xây dựng được 2/5 trạm bơm điện, 3/8 nhà kho, nhà trưng bày sản phẩm. Diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là 103.884 ha; xây dựng được 81 chuỗi liên kết; có 26 doanh nghiệp và 353 HTX thu mua, chế biến nông sản tham gia liên kết; thành lập được 130 tổ khuyến nông cộng đồng…

Tại Gia Lai, đề án được thực hiện với tổng kinh phí đề xuất triển khai là 490,435 tỷ đồng. Quy mô đề án khoảng 5.600 ha cà phê trên địa bàn 6 huyện với 12 HTX và 1.600 hộ hưởng lợi. Đến nay, đã thực hiện được 4/5 dự án với tổng kinh phí thực hiện và giải ngân là hơn 42,3 tỷ triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng

Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành những vùng nguyên liệu đạt chuẩn một cách có hệ thống với các thiết chế đi kèm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngành hàng mà trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị: Các bên liên quan cần xác định được vai trò của mình để có sự chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng thực hiện tốt đề án. Trong đó, Ban Chỉ đạo đề án cần hoàn thiện quy trình chuẩn để nhân rộng ra những địa phương khác với những ngành hàng khác, từng bước đồng bộ việc hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn trong cả nước; định kỳ đánh giá kết quả đạt được, dự báo các rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt thị trường cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy thị trường, có sự liên kết, hợp tác, đầu tư với HTX, nông dân.

Cũng tại tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã dự Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ).

Mô hình tổ KNCĐ là một hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng
Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng

Năm 2022, Đề án được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực của ngành với mục tiêu nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ KNCĐ hoạt động đa chức năng: phục vụ tái cơ cấu ngành, phát triển nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản. Sau 2 năm thí điểm, mô hình tổ KNCĐ đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và bà con nông dân. Đến nay, ngoài 26 tổ KNCĐ thí điểm với 156 thành viên; tại 13 tỉnh tham gia Đề án đã thành lập thêm 1.071 tổ KNCĐ mở rộng, với tổng số 9.622 thành viên.

Đồng thời, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cả nước đã có thêm 44 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ KNCĐ với tổng số khoảng 4.070 tổ, có 37.394 thành viên hoạt động phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Trong quá trình triển khai Đề án, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đã đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Mô hình tổ KNCĐ là một hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân
Mô hình tổ KNCĐ là một hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân

Kết quả, các tổ KNCĐ thuộc vùng đề án đã phối hợp với các tổ chức chủ trì dự án, doanh nghiệp, HTX tổ chức trên 100 lớp tập huấn phát triển vùng nguyên liệu. Hướng dẫn người dân thực hiện 14 dự án khuyến nông trên: 500 ha vùng nguyên liệu lúa gạo, 300 ha vùng nguyên liệu cây ăn quả, 150 ha vùng nguyên liệu cà phê, 200 ha vùng nguyên liệu gỗ lớn.

Các thành viên tổ KNCĐ còn là cầu nối giúp bà con vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc kết nối tiêu thụ 5 tấn dứa, 100 tấn chanh leo; giúp 257 hộ vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 120 ha sầu riêng và bà con vùng Tây Nguyên được bao tiêu sản phẩm cà phê 4C, hữu cơ. 

Đồng thời, tổ chức 46 cuộc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 2.126 nông dân vùng nguyên liệu lúa gạo; Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bà con vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên diện tích 300 ha...