Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ thanh niên DTTS phát triển kinh tế

PV - 17:02, 24/02/2023

Để đồng hành với thanh niên DTTS trên con đường “lập thân, lập nghiệp”, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực chăm lo, hỗ trợ thanh niên DTTS phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhờ được tư vấn, hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lương Văn Cường, dân tộc Sán Dìu ở xã Bồ Lý đã mở xưởng gia công nội thất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly
Nhờ được tư vấn, hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lương Văn Cường, dân tộc Sán Dìu ở xã Bồ Lý đã mở xưởng gia công nội thất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly

Tốt nghiệp đại học, nhưng công việc của anh Lương Văn Cường, dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo lại khá bấp bênh. Sau nhiều năm đi làm thuê với mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, năm 2019, anh Cường có ý định mở xưởng sản xuất và buôn bán nội thất Salon cho các cơ sở làm nghề thẩm mỹ, nhưng ngặt nỗi nguồn vốn eo hẹp.

Trong lúc gặp khó khăn, anh Cường được cán bộ Đoàn xã tư vấn vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số vốn được vay, cùng số tiền gia đình, người thân giúp đỡ, anh Cường đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 300 m2 với nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất các thiết bị nội thất Salon. Anh Cường cho biết, anh nhập các chi tiết, phụ kiện của các thiết bị nội thất về gia công, lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất bán cho các Salon ở trong và ngoài tỉnh.

Hiện tại, xưởng sản xuất của anh Cường xuất ra thị trường các sản phẩm như bàn gội đầu, bàn mát xa, gương cắt tóc… với các chất liệu gỗ, sắt, da, nhựa… Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, anh nhập về các sản phẩm có chất liệu tốt, đa dạng, kiểu dáng, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, anh Cường còn nhập một số loại máy móc chuyên về làm đẹp để bán cho các Salon.

Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh xuất bán từ 200 - 300 sản phẩm nội thất Salon, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Mô hình sản xuất và phân phối nội thất Salon của gia đình anh Cường tạo việc làm ổn định cho 8 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày cao điểm tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới (ngày 13/10/2022), Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh đã hỗ trợ sinh kế cho gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, đoàn viên thôn Bắc Sơn, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch.

Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh đã hỗ trợ gia đình anh Hùng cải tạo chuồng và mua chim bồ câu giống để chăn nuôi với tổng kinh phí 10 triệu đồng. Qua 4 tháng triển khai, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hùng đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Anh Hùng chia sẻ: “Sự động viên, hỗ trợ kịp thời của tổ chức Đoàn, Hội đã cổ vũ tinh thần, truyền cảm hứng, tạo động lực để tôi vững bước hơn trên con đường lập nghiệp. Tôi dự định sắp tới sẽ mở rộng quy mô nuôi chim bồ câu để phát triển kinh tế gia đình”.

Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh trao kinh phí 10 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho anh Nguyễn Văn Hùng, đoàn viên thôn Bắc Sơn, xã Bắc Bình. Ảnh: Kim Ly
Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh trao kinh phí 10 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho anh Nguyễn Văn Hùng, đoàn viên thôn Bắc Sơn, xã Bắc Bình. Ảnh: Kim Ly

Anh Cường, anh Hùng là những tấm gương thanh niên DTTS dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng vượt qua khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Để tiếp thêm động lực cho những thanh niên DTTS trên con đường lập nghiệp, những năm qua, Tỉnh Đoàn đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả.

Tỉnh Đoàn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức nhiều buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên DTTS. Tại các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, tổ chức Đoàn cơ sở tích cực vận động thanh niên tham gia câu lạc bộ thanh niên DTTS làm kinh tế giỏi, qua đó, tạo cơ hội để thanh niên DTTS giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Tỉnh Đoàn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các hoạt động tôn vinh, biểu dương và nhân rộng các mô hình thanh niên DTTS phát triển kinh tế nhằm động viên, khuyến khích thanh niên DTTS ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần của các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh, nhiều thanh niên DTTS được hỗ trợ đã nỗ lực thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, đi đầu trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương. Từ đó, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh, cổ vũ đoàn viên, thanh niên tự tin khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và làm tốt.