Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô. Là tỉnh có bề dày truyền thống văn hoá, cách mạng và có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch, dịch vụ.
Tỉnh có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ năm 2021, Vĩnh Phúc không còn xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), không còn thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), không có xã khu vực II. Tỉnh có 40 thành phần DTTS, với dân số đến năm 2024 là hơn 59 nghìn người (chiếm khoảng 4,8% dân số toàn tỉnh). Mỗi DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh có tập tục, sắc thái văn hoá riêng của mình, nhưng tựu chung đều có một tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác dân tộc. Coi công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Trong 5 năm qua (2019-2024), Ban Dân tộc đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai kịp thời và có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các dự án thuộc Chương trình 135 trong 2 năm 2019-2020, như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng với tổng kinh phí hơn 4.000 triệu đồng... được thực hiện đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các thôn ĐBKK của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, trình độ và năng lực sản xuất được nâng cao. Đến hết năm 2020, các thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu và ra khỏi Chương trình 135. Từ năm 2021, Vĩnh Phúc không còn xã, thôn thuộc Chương trình 135.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 946/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025. Đến nay, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đối với tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: Về thu nhập bình quân đầu người, đã vượt mục tiêu, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020 (thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024 đạt khoảng 61,2 triệu đồng/người, so với năm 2020 là 47,6 triệu đồng/người); về giảm tỷ lệ hộ nghèo, đã vượt mục tiêu so với kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm còn 0,89% (so với năm 2020 là 3,1%),…
Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III năm 2019, có thể khẳng định rằng, trên tất cả lĩnh vực, vùng đồng bào DTTS&MN đã có nhiều chuyển biến vượt bật, thông qua những chương trình, chính sách, biện pháp cụ thể gắn với sự nỗ lực vươn lên từ ý chí, nghị lực của đồng bào các dân tộc đã thúc đẩy nền kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, quốc phòng-an ninh được củng cố; bản sắc văn hoá luôn được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng củng cố và phát triển về chất lượng; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc luôn được tăng cường. Với những kết quả trên đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Đến nay, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển cơ bản toàn diện, không còn khu vực ĐBKK, không có xã khu vực II; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS không ngừng được nâng cao, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đều đạt và vượt mức kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, kết quả công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đồng bào các DTTS chưa biết cách khai thác, phát huy lợi thế vốn có của vùng. Khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS&MN với các vùng khác trong tỉnh vẫn có sự chênh lệch nhất định; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt kế hoạch.
Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, song nhìn chung vẫn chưa đồng bộ; công tác quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư còn nhiều hạn chế, bất cập, một số công trình hạ tầng sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng… Việc bố trí kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình không được thực hiện, tuổi thọ của công trình giảm, không phát huy được hiệu quả của công trình…
Trong thời gian tới, để công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc đối với các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời thể chế hoá các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng đồng bào DTTS&MN; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để đồng bào tích cực tham gia xây dựng, thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.
Tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đảm bảo đồng bộ, hiện đại hoá. Huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của tỉnh để đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS, đảm bảo đội ngũ cán bộ là người DTTS có đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người DTTS; huy động nguồn lực để thực hiện đào tạo và giải quyết việc làm cho người DTTS. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS&MN.
Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế-xã hội, gắn phát triển sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, khắc phục tính tự ty, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận đồng bào.
Chăm lo giải quyết các chính sách xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN. Tăng cường đầu tư các dịch vụ để nâng cao mức sống của Nhân dân, giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công cộng, nhất là y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nước sinh hoạt… để người dân yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất.
Kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo an ninh chính trị cơ sở; ngăn ngừa các hoạt động truyền đạo trái phép, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Với niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, đồng bào các DTTS tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ra sức lao động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, làm giàu chính đáng; giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng với Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.