Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Vùng cao Ninh Thuận vào Xuân

Đạt Thành Nhân - 13:07, 29/01/2020

Trong tiết trời se lạnh những ngày giáp Tết, chúng tôi về thăm các xã miền núi tỉnh Ninh Thuận, nơi có đông đồng bào Raglai sinh sống. Suốt dọc chặng đường, những nụ hoa rừng chớm nở, lộc xanh mơn mởn như báo hiệu về sự đổi thay, khởi sắc trong cuộc sống mới của đồng bào vùng cao nơi đây...

Thu nhập cao từ cây bưởi góp phần thay đổi cuộc sống người dân Phước Bình
Thu nhập cao từ cây bưởi góp phần thay đổi cuộc sống người dân Phước Bình

Ma Nới (Ninh Sơn) là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có trên 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Trước đây, việc sản xuất của bà con còn phụ thuộc vào “nước trời”, chủ yếu trồng trọt tự phát, theo tập quán cũ, lạc hậu nên năng suất rất thấp. Làm kinh tế kiểu “tự cung, tự cấp” khiến cuộc sống rất bấp bênh.

Chị Katơr Thị Bé, thôn Gia Rót, tâm sự với chúng tôi: Ngày xưa trồng lúa, bắp đợi mưa rồi xuống giống đến ngày thì thu hoạch, nay đã có kênh mương chủ động nước sản xuất, đồng thời được hướng dẫn từ thời điểm xuống giống đến bón phân nên năng suất lúa cũng đạt gần 5 tạ/sào chứ lúc trước chỉ khoảng 2 - 3 tạ/sào. Đường giao thông cũng được đầu tư kiên cố nên rất thuận lợi cho việc đi lại buôn bán. Trồng được bắp, lúa bà con không còn trao đổi qua lại với nhau, đã có thương lái đến tận nhà thu mua, bà con rất phấn khởi.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Xuân năm nay, người dân Ma Nới đã có thêm nhiều ngôi nhà vững chãi, những con đường sạch đẹp, rộng rãi để đi lại; có nhà văn hóa khang trang để sinh hoạt văn nghệ, thể thao trong dịp đầu năm. Bên ché rượu cần ấm nồng cùng mâm lễ mừng lúa mới, bà con càng phấn khởi và hy vọng nhiều hơn vào tương lai tươi đẹp của quê hương mình.

Rời Ma Nới, chúng tôi đến xã Phước Bình (Bác Ái), nơi nổi tiếng với địa danh bẫy đá Anh hùng Pi Năng Tắc. Nép mình bên cánh rừng rộng lớn của Vườn quốc gia Phước Bình là màu xanh mơn mởn của những đồi chuối, bưởi, cà phê; những con đường làng uốn lượn được bê tông hóa dẫn đường cho nhiều chuyến xe tải chở đầy ắp nông sản của nông dân địa phương hối hả xuôi ngược mỗi ngày…

Phước Bình hôm nay rất nhộn nhịp và sầm uất. Đời sống đồng bào Raglai ngày càng sung túc, những căn nhà làm bằng tre, nứa trước kia được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố theo các mẫu kiến trúc hiện đại. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình cho biết: Là xã xa nhất của cả tỉnh, cách đây hơn 10 năm, người dân Raglai rất vất vả với nghèo đói vì tập quán canh tác lạc hậu, các giống cây trồng cũ, năng suất kém và giá trị kinh tế thấp. Nhưng nay, bà con rất tự hào là xã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đứng đầu của huyện Bác Ái.

Đòn bẩy để Phước Bình phát triển như hôm nay là được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, nguồn vốn, đào tạo kỹ thuật chăm sóc, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn quả…. “Giờ đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của đồng bào Phước Bình đã tạo nên thương hiệu đặc biệt về chất lượng trên thị trường, nên nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến tận vườn để thu mua với giá cao. Nhiều mô hình trồng bưởi da xanh, chuối… đã đem lại thu nhập cao cho bà con. Nhờ đó, hằng năm, số hộ nghèo giảm trên 5%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 30,66%” ông Nghĩa cho biết thêm.

Tiếp nối những cung đường uốn lượn giữa núi rừng, chúng tôi rong ruổi đến xã Phước Chiến (Thuận Bắc). Đồng bào Raglai nơi đây đang tập trung, phát huy mọi nguồn lực để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Những năm qua, Phước Chiến tập trung định hướng phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ học vấn cao trở về tích cực đóng góp xây dựng địa phương.

Phước Chiến đang “đô thị hóa”. Xe máy, ti-vi, tủ lạnh..., trở nên phổ biến. Gần như 100% hộ có nhà xây khang trang nhờ nguồn vốn từ các Chương trình hỗ trợ. Trên vùng đất từng là chiến trường xưa, giờ có nhiều công trình hạ tầng khá đồng bộ, rõ nét nhất là những con đường bê-tông nhựa chạy ngang dọc trên khắp địa bàn xã.

Vào phiên chợ Tết cuối năm, bà con rủ nhau xuống chợ sắm đồ vui Tết; trẻ em theo chân mẹ để chọn mua áo quần, giày dép đẹp. Những hình ảnh này cho thấy, đồng bào Raglai đang dần thoát cảnh “tự sản tự tiêu” trước đây để hội nhập với thị trường, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm đặc thù, mang lại thu nhập cao. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên gương mặt từng người. Tiếng cười, nói rôm rả trong từng nếp nhà như hứa hẹn về mùa Xuân no ấm...