Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xuân ở những miền đất khó

Phương Lê - 13:49, 29/01/2020

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng – Nhà nước, đồng bào các DTTS ở những bản làng khó khăn, khu vực Tây duyên hải miền Trung đã có cơ hội tiếp cận khoa học - kỹ thuật, các mô hình kinh tế mới nâng cao đời sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu. Hầu hết người dân đã có cuộc sống đầy đủ nên mỗi khi Tết đến – Xuân về, bản làng vùng cao cũng trở nên nhộn nhịp vui tươi hơn.

Những cây cầu góp phần làm đổi thay xã miền núi Ba Ngạc.
Những cây cầu góp phần làm đổi thay xã miền núi Ba Ngạc

Chúng tôi trở lại vùng đất nằm dưới chân đèo Viôlắc bên dòng sông Re vào những ngày cuối năm. Nơi đây đã đổi thay thật nhiều. Trên các sườn đồi, phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng keo, rẫy mía và hoa màu. Còn trên những cánh đồng bậc thang, lúa cũng đang mơn mởn chuẩn bị làm đòng. Bà con tất bật sửa sang nhà cửa để đón một cái Tết vui tươi, đầm ấm.

Ba Ngạc là một xã vùng cao thuộc huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cách trung tâm huyện lỵ 32km. Toàn xã có 6 thôn, 15 khu dân cư, với  914 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc Hrê là 776 hộ, với 3.045 nhân khẩu. Xã Ba Ngạc được ví như “ngã ba cheo leo”, bởi tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, địa hình phức tạp, nhiều sông suối, thời tiết khắc nghiệt; vào mùa mưa lũ, giao thông đi lại bị chia cắt, rất khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự của người dân, nên địa phương luôn dẫn đầu trong thực hiện các phong trào thi đua của tỉnh Quảng Ngãi trong nhiều năm qua.

Đến nay, 90% đường giao thông ở Ba Ngạc đã bê tông đến thôn xóm; kênh mương được bê tông hơn 80%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hàng trăm hộ dân nhờ trồng keo, nuôi trâu, mỗi năm tích lũy từ 50 - 100 triệu đồng. Già làng Phạm Văn Biêu, thôn Krên cho biết: Bà con giờ ít lam lũ hơn trước nhiều. Nhờ biết cách áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước đúng như cán bộ nói, nên cái đói không còn. Ngày trước, dân cư lên nương mãi, hết gieo hạt lúa là trồng mì, khoai lang, chặt củi bán, có năm nắng hạn mất mùa, bà con thiếu đói triền miên. Còn nay đồi nương trồng cây nguyên liệu, ruộng đồng có nước tưới, chỉ cần chuyên cần chăm sóc là có lúa ăn.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định thăm và động viên bà con xã An Dũng yên tâm về nơi ở mới.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định thăm và động viên bà con xã An Dũng yên tâm về nơi ở mới

“Xã Ba Ngạc là địa phương duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, vì đạt nhiều thành tích trong xây dựng cuộc sống mới”, già Biêu tự hào khoe.

Ở tỉnh Phú Yên, ngày càng có nhiều buôn làng đồng bào DTTS phát triển vượt bậc, điển hình như làng Suối Mây, xã Xuân Phước (Đồng Xuân) có 100% đồng bào DTTS sinh sống. Từ một làng khó khăn, nay trở thành làng nông thôn mới, với tỉ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn hơn 1%. Ông Seo Y Tâm, Trưởng làng Suối Mây thông tin: Hệ thống giao thông của thôn đã bê tông, kiên cố hóa. 80% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn. Điện lưới quốc gia kéo tới từng nhà dân, 98% hộ có phương tiện nghe nhìn; 95% nhà xây lợp mái ngói và trên 50% có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh.

“Phấn khởi nhất là, bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ đó mà thu nhập đã được tăng lên rất nhiều. Tết năm nay gia đình nào cũng thấy mạnh tay mua sắm”, Trưởng làng Y Tâm chia sẻ.

Theo ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, vùng miền núi của tỉnh bây giờ đã khởi sắc rất nhiều. Đáng mừng là bà con đã chủ động vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bà con đã bỏ được tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự chuyển biến ở xã An Dũng, huyện An Lão (Bình Định) cũng bắt đầu từ lòng quyết tâm vượt khó thoát nghèo của bà con. Trước đây, việc vận động bà con sử dụng phân chuồng, phân hóa học cho cây lúa, sử dụng lúa cấp I vào sản xuất là việc làm hết sức khó khăn. Đến nay, bà con đã tự tìm đến trung tâm cụm xã để mua giống và tìm hiểu học học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy mà, thu nhập của đồng bào ngày càng được tăng cao. Đây chính là yếu tố cơ bản giúp đồng bào cải thiện được đời sống kinh tế.

Được mùa lúa, đồng bào Hrê ở Ba Ngạc ăn Tết cũng vui hơn.
Được mùa lúa, đồng bào Hrê ở Ba Ngạc ăn Tết cũng vui hơn

Già làng Đinh Văn Đấu cho biết: Năm nay là năm cuối cùng đồng bào DTTS xã An Dũng được đón Tết ở làng cũ, vì chuẩn bị dời làng để nhường đất cho việc xây dựng hồ thủy lợi Đồng Mít. “Phải rời xa mảnh đất đã gắn bó bao đời luôn là điều không dễ, nhưng vì mục đích chung, phần lớn các hộ dân ở xã An Dũng đều ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Đồng Mít”.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định chia sẻ: Do phải nhường đất cho dự án hồ thủy lợi Đồng Mít nên gần 400 hộ dân An Dũng phải di chuyển đến nơi ở mới. Đó là một sự hy sinh rất lớn của bà con vì sự phát triển chung của địa phương. Để bù đắp lại cho bà con, lãnh đạo tỉnh quyết tâm xây dựng khu tái định cư mới bảo đảm mọi điều kiện đều tốt hơn nơi ở cũ, từ cơ sở hạ tầng đến đất đai để bà con sản xuất, phát triển kinh tế đều bảo đảm.

“Trong tương lai không xa, đây sẽ là một khu dân cư vùng dân tộc thiểu số kiểu mẫu của tỉnh Bình Định”, ông Châu khẳng định.