Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ninh Thuận: Nâng cao chất lượng công tác đảng vùng DTTS

Lê Phương - 10:30, 17/12/2019

Nhiều năm nay, tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm các DTTS có tỷ lệ cán bộ hợp lý tham gia các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, tổng số đảng viên được kết nạp mới trên toàn tỉnh là 5.108 người, trong đó có 2.824 đảng viên là người dân tộc Chăm và Raglai.

Đội ngũ cán bộ đảng viên là người đồng bào DTTS góp phần tích cực trong việc vận động bà con xây dựng nông thôn mới (trong ảnh đồng bào Raglai xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn làm đường giao thông nông thôn)
Đội ngũ cán bộ đảng viên là người đồng bào DTTS góp phần tích cực trong việc vận động bà con xây dựng nông thôn mới (trong ảnh đồng bào Raglai xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn làm đường giao thông nông thôn)

Những năm qua, trong công tác tổ chức cán bộ, các cấp ủy đã thường xuyên chỉ đạo, đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) người DTTS, đặc biệt là các chức danh chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ CBCC người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên.

Điển hình như, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải có gần 16.500 nhân khẩu, trong đó có gần 8.300 người là đồng bào dân tộc Chăm, chiếm trên 50% dân số toàn xã. Xuân Hải có 9 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc Chăm, cả 4 thôn đều có chi bộ độc lập trực thuộc Đảng bộ xã. Riêng về số lượng đảng viên, với trên 110 đảng viên là người Chăm, chiếm trên 87% trong toàn Đảng bộ xã.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên là người DTTS, trong 5 năm (2014 - 2019), tỉnh đã đào tạo sau đại học cho 48 CBCC, viên chức là người DTTS; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 102 cán bộ, công chức người DTTS (chiếm 13,9% tổng số CBCC được cử đi đào tạo).

Ngoài ra, còn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho 284 CBCC; bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước cho 187 CBCC người DTTS. Riêng huyện Bác Ái, từ năm 2014 đến nay, trong số 42 tri thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã, trong đó có 13 trí thức trẻ là người DTTS. Tỉnh cũng đã biên soạn tài liệu và mở lớp đào tạo tiếng Chăm cho các đối tượng trên đang công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống.

Ông Phạm Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận chia sẻ: Đội ngũ CBCC người DTTS trong những năm qua đã từng bước vươn lên, trưởng thành về năng lực và phẩm chất, đáp ứng tiêu chuẩn chung của hệ thống chính trị các cấp, góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ở những vùng miền núi, khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tế cho thấy, tỷ lệ CBCC người DTTS vẫn còn thấp so với dân số; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các huyện miền núi, vùng xa vẫn chủ yếu do các cán bộ tăng cường đảm nhiệm.

Để khắc phục hạn chế trên, ông Phạm Văn Lâm cho rằng, các cấp ủy đảng cơ sở phải thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ CBCC, xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt cũng như lâu dài và thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ là người DTTS theo quy hoạch.