Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vùng đồng bào Chăm ở Ninh Phước ngày càng khởi sắc

Thành Nhân - 07:06, 18/11/2022

Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống ở tỉnh Ninh Thuận. Toàn huyện hiện có 10.998 hộ đồng bào Chăm với 49.729 nhân khẩu sinh sống tập trung tại 22 thôn, khu phố thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn. Nhiều năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển để đưa đời sống kinh tế, văn hóa vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc.

Một góc nông thôn mới vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước
Một góc nông thôn mới vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước

Theo ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, đời sống đồng bào Chăm huyện Ninh Phước, dựa vào nguồn thu nhập từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực, theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: Nho, táo, măng tây xanh kết hợp chăn nuôi gia súc... Chính quyền địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân vùng đồng bào Chăm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng hiệu quả nhiều mô hình mới vào sản xuất. Nhờ đó, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 142 triệu đồng/ha của năm 2015, lên 199,4 triệu đồng/ha vào cuối năm 2021.

Các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đạt năng suất trung bình 7 tấn/ha, tăng thêm lợi nhuận 3,7 triệu đồng/ha. 

Mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức lợi nhuận tăng thêm 7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. 

Đồng bào Chăm xã An Hải trồng mới 50 ha măng tây xanh được cấp chứng nhận VietGAP cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có mô hình cánh đồng lớn được thực hiện thí điểm tại vùng đồng bào Chăm xã Phước Hậu, từ 56 ha lúa vụ hè thu năm 2017 đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Đến vụ hè thu 2022, toàn huyện nhân rộng mô hình này lên 14 cánh đồng lớn với diện tích 2.348 ha, vượt 3,5% kế hoạch. Trong đó, cánh đồng lớn lúa 2.156,6 ha, tăng 78 ha tập trung chủ yếu ở các xã vùng đồng bào Chăm như Phước Hậu 734 ha, Phước Thái 222 ha, Phước Hữu 385 ha; măng tây xanh 55 ha, tăng 5 ha; cánh đồng lớn bắp 80 ha...

Nhiều gia đình vùng đồng bào Chăm đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà ở khang trang, tạo nên nét tươi mới cho vùng nông thôn. Chị Não Thị Châu Từ Xim, thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà chỉ có 2,5 sào đất trồng hoa màu, nên thu nhập bấp bênh. Năm 2018, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 70 triệu đồng, đầu tư vào trồng măng tây xanh, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng nên cuộc sống ngày càng khấm khá.

Đồng bào Chăm xã Phước Hậu (Ninh Phước) ứng dụng thiết bị cơ giới vào canh tác lúa trên cánh đồng lớn chất lượng cao
Đồng bào Chăm xã Phước Hậu (Ninh Phước) ứng dụng cơ giới vào thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn chất lượng cao

Đến với vùng đồng bào Chăm xã Phước Hữu, chúng tôi ghi nhận bộ mặt NTM ngày càng phát triển bền vững. Phước Hữu hiện có 4.563 hộ với 19.797 nhân khẩu sinh sống tập trung ở 7 địa bàn dân cư. Đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập từ canh tác lúa nước, chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và hồ Tân Giang kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng. Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, Phước Hữu huy động các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp hàng chục tỉ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Bà Hứa Thị Ngọc Du, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hữu chia sẻ: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, lắp đặt đèn điện chiếu sáng đường quê ở các thôn góp phần bảo đảm tình hình an ninh- trật tự ở địa bàn dân cư. 

Mô hình khu dân cư sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền nhân dân đồng thuận thực hiện, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn, trụ trì tháp Pô Rômê phấn khởi cho biết: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Chăm chúng tôi. Chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng đã tạo sức mạnh cho đồng bào các dân tộc đoàn xây dựng NTM giàu đẹp. Tất cả các làng Chăm đều có hệ thống điện, đường, trường, trạm do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng góp phần quan trọng làm cho bộ mặt NTM ngày càng khởi sắc, trình độ dân dân trí ngày càng nâng cao. Nhiều con em đồng bào Chăm có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân...

 Với vai trò chức sắc tôn giáo Bàlamlôn và người cao tuổi, tôi luôn quan tâm, dành thời gian vận động đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.