Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Xã hội hóa giáo dục: Phụ huynh mang tre, nứa đến tu sửa trường

Đào Thọ - 09:37, 21/09/2020

Điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc đóng góp tiền để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp là điều rất khó thực hiện. Được sự gợi ý, động viên của nhà trường, hàng chục phụ huynh ở xã biên giới huyện Tương Dương (Nghệ An) đã mang tre, nứa đến để sửa sang, xây dựng lại khuôn viên trường lớp.

Những chiếc khung rào bằng tre độc đáo đang dần được hình thành tại Trường Mầm non Nhôn Mai.
Những chiếc khung rào bằng tre độc đáo đang dần được hình thành tại Trường Mầm non Nhôn Mai.

Những ngày đầu năm học, dù bận nhiều việc nương rẫy nhưng hàng chục phụ huynh học sinh ở điểm trường Mầm non Na Lợt (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) vẫn tranh thủ dành thời gian để tu sửa lại cơ sở vật chất trường lớp cho con em mình.

Mới sáng sớm, ở điểm trường cách trung tâm xã hơn 6 km này đã rộn rã tiếng gọi nhau tập trung của Hội Cha mẹ học sinh. Người cuốc, người thuổng, người dao... kèm theo trên vai là những cây tre, bó nứa vừa được chặt từ rừng về. Ngoài những ông bố, bà mẹ người Khơ mú, hôm nay còn có thêm đông đảo đoàn viên, thanh niên của xã tới giúp sức để tu sửa, xây dựng lại cảnh quan trường lớp.

Có mặt tại điểm trường từ sớm, cô giáo Vi Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhôn Mai cho biết: “Trường chúng tôi năm nay có 276 học sinh. Các em chủ yếu thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú ở vùng biên giới giáp Lào, hoàn cảnh rất khó khăn. Nếu xã hội hóa bằng cách đóng góp tiền thì chẳng bao giờ thực hiện được. Chính vì vậy, năm nào chúng tôi cũng vận động phụ huynh học sinh đến để góp sức tu sửa, làm mới cảnh quan trường lớp bằng những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương. Việc này được bà con rất ủng hộ”.

Bước vào ngày lao động đầu tiên, mỗi người mỗi việc, cánh đàn ông thì cắt tre, chẻ nứa để làm hàng rào, dựng lại bếp ăn cho các cô; phụ nữ thì làm đất, làm cỏ và trồng những cây hoa mang từ nhà đến hoặc lấy từ rừng về. Những đoàn viên, thanh niên khéo tay hơn thì dùng màu vẽ tô lên hàng rào tre để tạo sự bắt mắt cho khuôn viên... Một không khí lao động phấn khởi, hăng say giữa núi rừng biên viễn.

Tại một số nơi đất trống, phụ huynh đã mang đến những cây hoa có sẵn trong vườn nhà để trồng.
Tại một số nơi đất trống, phụ huynh đã mang đến những cây hoa có sẵn trong vườn nhà để trồng.

Vừa vác cây tre, anh Lương Văn Linh vừa tâm sự: Nhà anh nghèo, cả vợ chồng quần quật trên nương rẫy, cuộc sống chủ yếu là tự cung tự cấp. Bởi thế, việc đóng góp tiền cho con là cả một vấn đề. Tuy nhiên, khi được nhà trường gợi ý góp tre, nứa để xã hội hóa giáo dục thì anh hưởng ứng ngay. “Con mình học ở trường lớp không sạch, không đẹp cũng thấy khó coi lắm nhưng nghèo nên đành chịu. Cũng may các cô hiểu cho nên khi được vận động mình vác tre, nứa đến làm ngay”, anh Linh chia sẻ.

Còn đối với Bí thư Đoàn xã Lê Văn Hoàn khi được nghe nhà trường đề cập đến việc này đã hào hứng ngay. Anh bảo rằng, bà con ở đây chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo nên khi nghe cần tu sửa lại trường lớp, đoàn viên, thanh niên của xã ủng hộ rất nhiệt tình.

Chỉ sau mấy ngày lao động, công sức của phụ huynh học sinh cùng giáo viên đã được đền đáp xứng đáng. Khuôn viên trường lớp trở nên khang trang, sạch sẽ; những bãi đất trống trước đây chỉ toàn cỏ dại nay thay vào đó là những khóm hoa rực rỡ sắc màu hoặc luống rau xanh làm bữa ăn cho học sinh bán trú; những bờ rào cũ kỹ được tháo dỡ và dựng lên bằng tre, nứa và được tô các loại màu sắc… Đây là một cách làm hay trong điều kiện kinh tế của bà con vùng cao còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.