Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Xây chùa trái phép trên đất rừng phòng hộ ở Nghệ An

Thanh Nguyễn - 13:50, 22/09/2020

Dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ nhưng một ngôi chùa tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn được xây dựng, hoàn thiện bất chấp các biên bản xử phạt vi phạm. Trước đó, quá trình san lấp mặt bằng và triển khai xây dựng chùa được thực hiện khi mà quy hoạch tổng thể chưa được phê duyệt.

Cận cảnh chùa Linh Sơn ở xóm 13 xã Diễn An.
Cận cảnh chùa Linh Sơn ở xóm 13 xã Diễn An.

Theo Báo cáo số 89 ngày 12/4/2019 của UBND xã Diễn An về việc xây dựng chùa Linh Sơn tại xóm 13, nêu rõ: Quy hoạch tổng thể xây dựng tỷ lệ 1/2.000 dự án quần thể văn hóa tâm linh đền Cuông huyện Diễn Châu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có hạng mục phân khu xây dựng chùa Linh Sơn tại thửa đất lô 6, 7 khoảnh 73, tờ bản đồ 896 thuộc đất rừng đã được giao cho bà Hoàng Thị Thu (thường trú xóm 13 xã Diễn An). Hiện trạng tại thửa đất đã xây dựng một ngôi chùa làm bằng gỗ chưa lợp mái, đã xây dựng tường xung quanh dài 40m, rộng 30m với diện tích 1.200m2; một ngôi nhà ngói 5 phòng diện tích 111m2, nhà vệ sinh 75m2, sân bê tông.

Cũng theo Báo cáo này, UBND xã Diễn An cho biết: Từ tháng 4/2018 - 4/2019 đã lập nhiều biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai.

Cụ thể: Ngày 3/4/2018, UBND xã Diễn An đã lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai đối với ông Cao Sỹ Điều ở xóm 13 có hành vi thuê máy múc san lấp mặt bằng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngày 20/11/2018, UBND xã Diễn An đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Trần Xuân Hào có hành vi thuê đơn vị thi công xây dựng móng chùa trên đất rừng phòng hộ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngày 6/12/2018, UBND xã Diễn An tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Trần Văn Hữu đại diện tổ đội thi công, có hành vi tổ chức công nhân làm thép, đổ sàn bê tông xây dựng móng chùa trên đất rừng phòng hộ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngày 1/4/2019, UBND xã Diễn An lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Hoàng Như Sơn đại diện tổ đội thi công xây dựng chùa, có hành vi tổ chức công nhân xây dựng chùa, nhà ở, nhà vệ sinh trên đất rừng phòng hộ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép…

Sau các biên bản xử phạt, UBND xã Diễn An đã có báo cáo gửi UBND huyện Diễn Châu xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, bất chấp các biên bản xử phạt, ngôi chùa vẫn từng ngày hoàn thiện các hạng mục.

Theo ông Nguyễn Nhã Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Diễn Châu, tổng quy hoạch Dự án quần thể văn hóa tâm linh đền Cuông huyện Diễn Châu là 130ha, được chia thành 40 hạng mục và 7 phân khu. Đây là Dự án thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh năm 2018, do UBND huyện làm chủ đầu tư; trong đó, tổng mức đầu tư xây dựng chùa Linh Sơn khoảng 120 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đất xây dựng chùa do xã quản lý, nhưng đã được giao khoán cho dân. Ông Sơn nói: Chùa Linh Sơn là cơ sở được thành lập mới. Có khoảng 4,8ha đất rừng sử dụng vào phân khu xây dựng chùa. Hiện nay hồ sơ thủ tục đã xong khoảng 90%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho hay: Từ chủ trương đến quy hoạch đã xin phê duyệt rồi. Hiện nhà chùa đang triển khai làm thủ tục chuyển đổi đất?!

Ông Sánh cũng cho biết, Dự án này khi bắt đầu làm đã bị lập biên bản đình chỉ. Nay cũng đang đình chỉ chưa cho hoạt động.

Tuy nhiên, theo lời Phó Chủ tịch huyện Diễn Châu, dù đình chỉ ngay từ khi bắt đầu thi công nhưng đến nay ngôi chùa đã được hoàn thiện bề thế. Rõ ràng, ở đây, phép nước chưa được thực hiện nghiêm. Giữa thanh thiên bạch nhật, nhiều máy móc và công nhân thi công rầm rộ hàng tháng trời đã bộc lộ sự “bất lực” hoặc buông lỏng của chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.