Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Xây dựng cơ chế ,chính sách đưa ngoại ngữ đến vùng khó

Tùng Nguyên - 08:18, 02/12/2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1477/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”. Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình để kịp thời khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi Việt Nam, trong đó ưu tiên thanh thiếu nhi khu vực nông thôn, vùng khó khăn, trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nâng cao kỹ năng Tiếng Anh giúp học sinh DTTS mở cánh cửa giao lưu thế giới, đủ điều kiện để tự tạo việc làm từ tiềm năng, lợi thế của địa phương. (Trong ảnh: Nghe – nói tốt Tiếnh Anh giúp thanh niên dân tộc Mông ở Sa Pa, Lào Cai có thu nhập từ hoạt động du lịch - Ảnh: TL)
Nâng cao kỹ năng Tiếng Anh giúp học sinh DTTS mở cánh cửa giao lưu thế giới, đủ điều kiện để tự tạo việc làm từ tiềm năng, lợi thế của địa phương. (Trong ảnh: Nghe – nói tốt Tiếnh Anh giúp thanh niên dân tộc Mông ở Sa Pa, Lào Cai có thu nhập từ hoạt động du lịch - Ảnh: TL)

“Cõng ngoại ngữ” lên vùng cao

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3 đến lớp 12. Yêu cầu này đang đặt ra nhiều khó khăn cho các trường miền núi, vùng cao.

Đối với các em học sinh DTTS, Tiếng Anh chính là ngôn ngữ thứ ba sau tiếng mẹ đẻ và Tiếng Việt mà các em được học. Việc học ngoại ngữ cũng là thử thách đối với các em khi đến với tiếng phổ thông quốc tế trong môi trường hội nhập toàn cầu.

Ths. Đặng Ngọc Quý - giáo viên Tiếng Anh Trường PTDT Bán trú - THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), chia sẻ, về cơ bản thì môn Tiếng Anh vốn dĩ đã rất khó học với không ít học sinh ở miền xuôi hoặc thành phố, nơi có đủ điều kiện học tập. Thế nên, với các học sinh DTTS, khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần.

Nhưng không vì khó khăn mà các học sinh DTTS không yêu thích môn học này; đa số các em có sự tò mò và mong muốn khám phá ngôn ngữ mới. Chính vì vậy, nhiều giáo viên bộ môn Tiếng Anh ở các trường khu vực miền núi đã và đang ngày đêm “cõng thế giới” lên vùng cao. Để mang ngoại ngữ lên miền núi, giúp học sinh DTTS mở cánh cửa giao lưu thế giới, những thầy cô ấy đã vượt qua muôn ngàn khó khăn.

Để giúp học sinh tiếp cận bộ môn Tiếng Anh, giáo viên phải rất chịu khó và kiên trì. (Trong ảnh: Giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La dạy học Tiếng Anh trong điều kiện cơ sở vật chấtt còn nhiều thiếu thốn - Ảnh: vov.vn)
Để giúp học sinh tiếp cận bộ môn Tiếng Anh, giáo viên phải rất chịu khó và kiên trì. (Trong ảnh: Giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La dạy học Tiếng Anh trong điều kiện cơ sở vật chấtt còn nhiều thiếu thốn - Ảnh: vov.vn)

Cô giáo Hà Ánh Phượng, dân tộc Mường, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là một trong những người như thế. Cô Phượng chia sẻ rằng, sinh ra và lớn lên ở miền núi, tuổi thơ gắn với hình ảnh đồi núi và cánh đồng, cô hiểu, dù có thể cơ sở vật chất không đủ điều kiện như ở những miền xuôi, thế nhưng tinh thần học của học sinh miền núi ấy luôn rất cao, luôn là động lực rất lớn để những giáo viên như cô tiếp tục gắn bó với buôn bản, với những rẻo cao nơi còn có nhiều học sinh gặp khó khăn.

Để giúp học sinh của Trường tiếp cận với Tiếng Anh, cô Phượng đổi mới, sáng tạo phương thức dạy học để khiến học sinh hứng thú hơn trong mỗi giờ học. Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh của cô Phượng sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa thế giới như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới.

Không sinh ra ở núi rừng như cô Hà Ánh Phượng, nhưng thầy Đặng Ngọc Quý, giáo viên Tiếng Anh Trường PTDT Bán trú - THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) lại gắn bó với học sinh dân tộc Thái, dân tộc Đan Lai ở miền Tây xứ Nghệ từ hàng chục năm nay. Thầy Quý là một trong số ít giáo viên người miền xuôi có bằng Thạc sĩ bộ môn Tiếng Anh gắn bó với điểm trường xa xôi của huyện miền núi Con Cuông từ năm 2004 đến nay.

“Để học sinh DTTS tiếp nhận tốt kiến thức Tiếng Anh thì giáo viên phải rất chịu khó và kiên trì. Có những kiến thức phải giảng đi giảng lại nhiều lần học sinh mới hiểu. Bên cạnh việc giảng giải trong các tiết học chính khóa, giáo viên cũng cần thường xuyên cho các em ôn bài liên tục, để các em nhớ lại những kiến thức vừa mới họ”, thầy Quý chia sẻ.

Cần thêm “trợ lực”

Nỗ lực của những “giáo viên cắm bản” đang góp phần “mang thế giới” đến cho học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tâm huyết của các thầy cô đang cần thêm trợ lực từ chính sách đặc thù hơn để học sinh DTTS không chỉ hoàn thành môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT mới mà còn giúp các em đến với cánh cửa giao lưu thế giới.

Bởi thực tế, ở các trường vùng cao, việc dạy tiếng Anh cho học sinh DTTS hầu như thiếu thốn trăm bề (thiếu giáo viên, thiếu trang, thiết bị dạy học,…). Nhiều trường dạy “chay” trong sách giáo khoa, thầy đọc trò nghe là chủ yếu. Không ít trường chưa có phòng luyện âm, trang, thiết bị máy nghe thì hạn chế… Sách truyện thiếu thốn đặc biệt các loại sách bổ trợ học tốt, nâng cao khả năng tiếng Anh cho các em lại càng quý hiếm. Học sinh ít có môi trường giao tiếp cũng như điều kiện tối thiểu để học tiếng Anh tốt hơn.

Những giáo viên “cõng thế giới” lên vùng cao. (Trong ảnh: Một tiết học Tiếng Anh của thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - Ảnh: vov.vn)
Những giáo viên “cõng ngoại ngữ” lên vùng cao. (Trong ảnh: Một tiết học Tiếng Anh của thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - Ảnh: vov.vn)

Bên cạnh đó, môi trường để học sinh rèn luyện kỹ năng nghe - nói gần như không có. Đúng như chia sẻ của em Hồ Thị Niên, học sinh Trường THCS Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), rằng: Em chật vật khi học tiếng Anh, từ cách đọc, cách viết đến hiểu nghĩa của từ. Học trên lớp xong về nhà em lại quên nhưng không biết hỏi ai cách đọc cho đúng”.

Có thể thấy rằng, những năm qua, lĩnh vực giáo dục dân tộc đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; hệ thống chính sách phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành, triển khai. Nhờ đó, lĩnh vực GD&ĐT ở địa bàn này đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, để đầu tư cho bộ môn Tiếng Anh, giúp học sinh DTTS tiếp cận với ngôn ngữ phổ thông quốc tế thì hiện vẫn còn khoảng trống nhất định trong cơ chế, chính sách.

Vì thế, Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” được phê duyệt tại Quyết định 1477/QĐ-TTg ngày 25/11/2022 có thể xem là một giải pháp để thúc đẩy hoạt động dạy và học Tiếng Anh ở miền núi. Bởi lẽ, mục tiêu chung của Chương trình là nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi Việt Nam về tầm quan trọng, sự cần thiết, lợi ích của việc học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ và rèn luyện các kỹ năng hội nhập quốc tế. Chương trình phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 10 triệu lượt thanh thiếu nhi được tham gia, thụ hưởng các hoạt động của Chương trình. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan đặc biệt chú trọng vào các nhóm đối tượng mà các chương trình, Đề án khác chưa "phủ" tới.

Để thực hiện Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tạo môi trường thuận lợi và xây dựng không gian nhằm hỗ trợ việc nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế; tạo cơ chế để thanh thiếu nhi, cán bộ trẻ, đặc biệt cán bộ trẻ cấp chiến lược học tập, thực hành được quan tâm, nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế; cung cấp tài liệu, học liệu và các hình thức để thanh thiếu nhi có cơ hội tiếp cận, nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế; đầu tư hiệu quả cho công tác đối ngoại thanh thiếu nhi và hội nhập quốc tế theo cả bề rộng và chiều sâu; tăng cường vận động các nguồn lực phục vụ công tác hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi Việt Nam về tầm quan trọng của ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.