Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xây dựng cơ sở khám chữa bệnh ở nơi tập trung đông công nhân lao động

Nguyệt Anh - 08:43, 31/08/2022

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xây dựng cơ sở khám chữa bệnh ở nơi tập trung đông công nhân lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xây dựng cơ sở khám chữa bệnh ở nơi tập trung đông công nhân lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo đó, để góp phần cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia một số ý kiến góp ý.

Cụ thể, đối với chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh: Điều 4 dự thảo Luật quy định 07 nhóm chính sách của Nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh. Tại khoản 1, Điều 4 về ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, được tập trung đầu tư để xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đây là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, bởi khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, song hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện rất ít, đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.

Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động vừa đáp ứng điều kiện làm việc (có ít thời gian, đi làm sớm, về muộn) của công nhân lao động, đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa (dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, chảy nổ,…).

“Bên cạnh các nhóm đối tượng được xác định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 được ưu tiên bố trí ngân sách để khám bệnh, chữa bệnh[1], đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm trong khám bệnh, chữa bệnh. Cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho công nhân lao động có thể dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong khám bệnh, chữa bệnh (đặc biệt là khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế), văn bản góp ý của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ.

Về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Điều 96 Dự thảo Luật quy định hệ thống tổ chức cơ cở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 03 cấp, đó là cấp khám chữa bệnh ban đầu; cấp khám chữa bệnh cơ bản; cấp khám chữa bệnh chuyên sâu thay vì 04 tuyến tương ứng với 04 cấp hành chính như Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xác định rõ việc phân thành 03 cấp này được thực hiện theo chuyên môn kỹ thuật hay theo hệ thống tổ chức; đồng thời quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp.

Hệ thống tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh hiện rất ít, đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của công nhân lao động.
Hệ thống tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh hiện rất ít, đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của công nhân lao động.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Việc quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được dự thảo Luật quy định (tại Điều 101) theo hướng thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá.

Quy định này nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ cũng như chất lượng của dịch vụ. Tuy nhiên, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu, xem xét, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kể cả với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

[1] Người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Tin cùng chuyên mục
Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3, đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.