Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn và chất lượng: Hướng đi của ngành Du lịch sau dịch Covid-19

Song Vy - 15:27, 19/05/2020

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phục hồi ngành Du lịch. Một giải pháp bền vững được các địa phương chú trọng thực hiện là, phát triển bền vững ngành Du lịch với tôn chỉ: Điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng.

Một góc khu du lịch đất Mũi (Cà Mau)
Một góc khu du lịch đất Mũi (Cà Mau)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là lượng khách quốc tế đến và lưu trú ở lại. Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, tổng số khách từ đầu năm đến cuối tháng 4 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu chỉ đạt 679,7 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Còn tại TP. Cần Thơ, trong dịp lễ 30/4 và 1/5, Cần Thơ đón khoảng 35.850 lượt khách, giảm 74% so với cùng kỳ 2019. Tổng thu từ nguồn du lịch ước đạt 12,5 tỷ đồng (giảm 70,2% so với cùng kỳ năm 2019).

Sau khi dịch Covid-19 đã qua đỉnh, cuộc sống dần bình thường trở lại, thì hoạt động du lịch của các địa phương trong vùng cũng từng bước được khôi phục. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng đang kỳ vọng thời gian tới lấy lại đà kinh doanh, nhất là việc khai thác lượng khách nội địa còn nhiều tiềm năng.

Anh Nguyễn Trọng Nhân, chủ cửa hàng đặc sản tại Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), cho biết, trong dịp lễ 30/5 và 1/5 vừa rồi, cửa hàng của anh đón khoảng 250 lượt khách/ngày, chủ yếu là khách nội địa đến thăm quan, mua sắm. Lượng khách dù chỉ bằng 1/4 so với dịp lễ năm trước, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thì đây cũng đã là một niềm vui, hy vọng lớn cho hoạt động du lịch tại chợ nổi. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP. Cần Thơ cho biết: Với việc xác định thị trường mục tiêu là khách nội địa, thành phố đang tập trung xây dựng và quảng bá hình ảnh “Cần Thơ - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng”. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kích cầu, phục hồi ngành Du lịch thành phố. 

“Trước mắt, Sở đang khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách từ Chính phủ, đồng thời xây dựng các kế hoạch, chương trình quảng bá, xúc tiến dựa theo các kịch bản đã được dự báo về tình hình dịch Covid-19. Ở một khía cạnh khác, việc du khách bắt đầu trở lại (chủ yếu là khách nội địa - PV) vào dịp lễ vừa qua cũng là một tín hiệu vui”, ông Tuấn cho biết.

Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) là một trong những điểm thu hút khách du lịch
Chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) là một trong những điểm thu hút khách du lịch

Để xây dựng điểm đến an toàn, ngay từ bây giờ, nhiều địa phương đã yêu cầu các khu, điểm du lịch khi mở cửa trở lại thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để kích cầu cho ngành Du lịch. 

Ở Cà Mau, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết, Cà Mau có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Thời gian qua, ngành Du lịch đã đóng góp rất lớn vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao hơn một bước đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Để tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch, sau khi dịch bệnh đã qua đỉnh điểm, tỉnh đang triển khai các giải pháp để kích cầu; trong đó trọng tâm là xây dựng và quảng bá du lịch Cà Mau là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng. 

“Hiện nay, Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình kích cầu du lịch năm 2020, thông qua các biện pháp khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá… sau khi dịch bệnh kết thúc, dự kiến triển khai từ tháng 5 - 12/2020, với nhiều nội dung và giải pháp thu hút khách du lịch” ông Hùng thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.