Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quản lý hệ thống di tích ở Phú Yên: Khai thác giá trị gắn với trùng tu, tôn tạo

Thành Nhân - 12:23, 30/04/2020

Những năm qua, hệ thống di tích ở Phú Yên được quan tâm đầu tư, tu bổ. Tỉnh cũng đã có kế hoạch để đưa các di tích trở thành sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Di tích thắng cảnh Gành Đá Đĩa đang được tỉnh Phú Yên đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt
Di tích thắng cảnh Gành Đá Đĩa đang được tỉnh Phú Yên đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 77 di tích được xếp hạng; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có trung bình 5 di tích được xếp hạng. Hằng năm, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo ngành Văn hóa rà soát, bổ sung và tôn tạo nhiều di tích. 

Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng - phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTT&DL Phú Yên), cho biết: Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Bộ VHTT&DL, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư tu bổ, tôn tạo một số di tích và đang phát huy giá trị, trở thành điểm đến thăm quan du lịch, nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của cộng đồng. 

Trong đó, 2 di tích danh thắng: Gành Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn được đưa vào thu phí thăm quan từ năm 2016, tạo nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước và tái đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Gần đây, Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn được tỉnh Phú Yên quan tâm đầu tư, tôn tạo, thu hút nhiều du khách. 

Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn thu hút nhiều du khách đến thăm quan
Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn thu hút nhiều du khách đến thăm quan

Đến thăm Tháp Nhạn, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi cảm thấy thích thú khi đến với di tích này, tháp mang nét đẹp cổ kính, huyền bí tâm linh nằm giữa lòng thành phố. Không khí ở đây cũng khá trong lành, con đường lên tháp được xây dựng uốn lượn, quanh co theo triền núi, khách thăm quan vừa đi, vừa ngắm cảnh rất thú vị”.

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Yên, chia sẻ: Ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú trọng việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để bảo quản, giữ gìn lâu dài và khai thác, phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa...

“Chúng tôi sẽ trình Thủ tướng xếp hạng di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa; tiếp tục lập thủ tục chuẩn bị đầu tư tu bổ, tôn tạo 2 di tích thắng cảnh: Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn và Gành Đá Đĩa; tu bổ, tôn tạo một số di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện việc cắm mốc giới các di tích quốc gia đã được Bộ VHTT&DL thống nhất thỏa thuận và tổ chức bàn giao hồ sơ, mốc giới cho đơn vị và địa phương trực tiếp quản lý di tích”, ông Bảy chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.