Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xây dựng nông thôn mới ở vùng biên Sa Thầy

Tùng Lâm - 09:56, 13/10/2023

Xác định tiêu chí thu nhập và giảm nghèo là 2 tiêu chí quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, cùng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các DTTS ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã đồng lòng, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, xây dựng làng nông thôn mới.

Con đường bê tông mới mở ở thôn Khúc Loong, xã Rờ Kơi
Con đường bê tông mới mở ở thôn Khúc Loong, xã Rờ Kơi

Tập trung vào tiêu chí thu nhập và giảm nghèo

Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) cho biết: Thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Trong số các tiêu chí chưa đạt, xã gặp khó khăn trong việc thực hiện hai tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Chính vì thế, khi triển khai Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xã đã tập trung nguồn lực, chọn ra những phần việc, mô hình phù hợp với địa phương giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình để triển khai.

Thực tế cho thấy, hai tiêu chí thu nhập và hộ nghèo luôn gắn bó với nhau, bởi người dân muốn thoát nghèo buộc phải nâng cao thu nhập. Xác định rõ điều này, xã Rờ Kơi đã triển khai những phần việc, mô hình tập trung vào phát triển kinh tế, xoay quanh trồng trọt và chăn nuôi để người dân dễ thực hiện.

Để giúp người dân thay đổi thói quen trong trồng trọt, chính quyền xã đã phối hợp với mặt trận, đoàn thể vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng mì hoặc những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm.

Xã xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp, bằng việc hỗ trợ cây giống ăn trái cho các hộ có nhu cầu cải tạo đất trống hoặc chuyển đổi cây trồng. Từ mô hình này, trong năm 2021, trên địa bàn xã đã phát triển thêm được 28,9 ha cây ăn trái nâng tổng số diện tích cây ăn trái lên 83,6ha.

Người dân xã Rờ Kơi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững.
Người dân xã Rờ Kơi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững.

Cũng trong năm qua, xã Rờ Kơi đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng cây lâu năm được thêm 17ha cà phê, nâng tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã lên 326,5ha; trồng mới 24,7ha cao su, nâng tổng diện tích lên 925,6ha. Ngoài ra, xã còn phát triển thêm 2,4ha cây mắc ca và 19,4ha cây dược liệu.

Cùng với những thay đổi trong trồng trọt, trong chăn nuôi, xã Rờ Kơi đã triển khai mô hình nuôi nhốt heo (lợn) sọc dưa. Khi triển khai mô hình, 52 hộ dân trên địa bàn xã đăng ký tham gia và cam kết sẽ xây dựng chuồng trại nuôi nhốt, thay đổi thói quen nuôi thả rông để hạn chế dịch bệnh lây lan, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong quá trình triển khai, 4 hộ nghèo trên địa bàn xã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng/hộ. Đến nay, có 16/52 hộ có từ 5 con heo trở lên.

Mô hình nuôi nhốt heo sọc dưa là niềm hy vọng thoát nghèo của các hộ dân ở xã Rờ Kơi.
Mô hình nuôi nhốt heo sọc dưa là niềm hy vọng thoát nghèo của các hộ dân ở xã Rờ Kơi.

Bà con chung sức xây dựng nông thôn mới

Xã Ya Ly được lựa chọn là xã về đích nông thôn mới vào cuối năm nay. Thời gian qua, bà con Gia Rai trên địa bàn xã đoàn kết cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây tất bật xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Chí Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Ya Ly cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làng Chờ được xã lựa chọn xây dựng làng nông thôn mới trong năm 2023. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và bố trí nguồn lực phù hợp để xây dựng đời sống bà con phát triển.

Xác định nhà rông văn hóa là bộ mặt của làng, ngay từ đầu năm, chính quyền xã Ya Ly đã vận động bà con làng Chờ tu sửa nhà rông. Cùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước, bà con làng Chờ góp công vào rừng cắt lá tranh, lợp mái… Sau gần một tháng, nhà rông hoàn thiện trong niềm hân hoan của dân làng. Nhà rông được tu sửa lại với tổng kinh phí 130 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100,6 triệu đồng, dân làng đóng góp gần 30 triệu đồng.

Bà con làng Chờ chung tay xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp
Bà con làng Chờ chung tay xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp

Ngoài việc chung tay sửa chữa những công trình của làng, người dân làng Chờ còn thay đổi nhận thức trong việc xây dựng cảnh quang của làng xanh, sạch, đẹp. Nhiều ngày qua, già làng A Đêng (65 tuổi) vào rẫy chặt lô ô mang về nhà để làm hàng rào. Già cho biết: “Làng Chờ được xã chọn xây dựng đạt làng nông thôn mới, bản thân là già làng nên tôi phải gương mẫu đi đầu để bà con học theo”.

Cùng với việc làm hàng rào, bà con làng Chờ còn trồng hoa, trồng cây xanh ven hai bên đường, tạo cảnh quan cho đường làng, ngõ xóm. Để đảm bảo an ninh trật tự vào ban đêm, xã Ya Ly đã hỗ trợ cho bà con 20 trụ đèn năng lượng để thắp sáng về đêm.

Ông A Ir, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn cho biết: Được xã hỗ trợ lắp đặp điện đường, bà con phấn khởi lắm. Tối đến con nít vui chơi dưới ánh điện trên con đường bê tông phẳng phiu, bà con yên tâm đi lại khi trời tối khuya. Từ ngày thấy Nhà nước đầu tư làm đường bê tông sạch sẽ, bắp bóng điện chiếu, nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để xã làm đường khi có kế hoạch triển khai.

Đầu năm đến nay, đã có 13 hộ dân hiến hơn 4.000m2 đất, cây trồng để xã triển khai làm gần 1,5 km đường nội làng và đường vào khu sản xuất. Hiện tại, các tuyến đường nội làng đã được bê tông hóa hoàn toàn, thuận tiện cho bà con đi lại. Cùng với đó, chính quyền xã Ya Ly đang tích cực hỗ trợ, vận động người dân xóa nhà tạm trên địa bàn.

Bà con làng Chờ hiến đất làm đường nội làng, đường vào khu sản xuất
Bà con làng Chờ hiến đất làm đường nội làng, đường vào khu sản xuất

Những ngày qua, anh A Vú (32 tuổi) cùng những người thợ nề tất bật xây dựng ngôi nhà kiên cố đầu tiên cho gia đình sau bao năm chật vật sống trong căn nhà tạm dột nát. Được xã hỗ trợ 50 triệu đồng, anh A Vú mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng để xây dựng mái ấm rộng hơn 50m2 cho gia đình 5 người ở.

Hộ anh A Vú là 1 trong 4 hộ có nhà tạm bợ trên địa bàn xã. Theo kế hoạch, trong năm 2023, xã Ya Ly sẽ kết nối, vận động nguồn lực hỗ trợ người dân để xóa sạch nhà tạm trên địa bàn xã. Cùng với đó, để nâng cao thu nhập, xã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 9 hộ dân ở làng Chờ trồng được 2,7ha sầu riêng, có 5 hộ đăng ký trồng 2,3ha sầu riêng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy hỗ trợ giống trong thời gian tới.

Bà Rơ Châm Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, chung tay xây dựng nôgn thôn mới, các cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân hưởng ứng tham gia, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai nhân rộng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đi vào cuộc sống, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thay đổi nông thôn mới tại địa phương.