Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gia Lai: Phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng Nông thôn mới

Ngọc Thu - 19:50, 07/10/2023

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của tỉnh Gia Lai có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo làng đồng bào DTTS tại Gia Lai ngày càng khởi sắc
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo buôn làng đồng bào DTTS tại Gia Lai ngày càng khởi sắc

Người dân đồng thuận

Năm 2015, Ia Dom là xã đầu tiên của huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Những năm qua, bộ mặt các thôn, làng trên địa bàn xã có sự đổi thay rõ nét, trong đó, làng Sơn là làng đồng bào DTTS đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2018.

Già làng Siu Bình chia sẻ: “Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động, phân tích những cái lợi mà xây dựng NTM mang lại. Từ đó, người dân làng Sơn tích cực hiến đất, góp công sức, tiền của để hoàn thành các tiêu chí, nhất là tham gia xây dựng giao thông, dời chuồng trại gia súc ra xa nơi ở, xây nhà tiêu nhà tắm hợp vệ sinh. Xây dựng NTM là để con cháu có ngôi trường khang trang, có sân bóng đá, những con đường bê tông sạch đẹp... Làm cho làng mình đẹp cũng chính là góp phần xây dựng biên giới trù phú, đẹp giàu. Vì vậy, người dân làng Sơn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp 200 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công để chung sức xây dựng NTM. Giờ đây, người dân làng Sơn không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực, chủ động xây dựng cuộc sống”.

Từ sự đồng lòng, chung sức của người dân, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã và đang gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn huyện đã huy động được trên 226 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hơn 49 tỷ đồng, vốn Nhân dân đóng góp hơn 22,4 tỷ đồng… Từ đó, huyện đã xây dựng được 14,34 km đường trục xã, liên xã; sửa chữa và đầu tư mới 23,92 km đường nội thôn...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Trần Ngọc Phận phấn khởi cho biết, những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng NTM chính là sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là sự tự lực, tự cường của chính người dân. Qua đó, diện mạo nông thôn của huyện Đức Cơ đã đổi mới từng ngày. Đến cuối năm 2022, huyện đã có 3/9 xã đạt chuẩn NTM; các xã còn lại đều đạt từ 12 - 16 tiêu chí. Đặc biệt, huyện đã có 20 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM. Trong năm 2023, huyện sẽ tiếp tục huy động gần 280 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. 3 xã đạt NTM duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. 6 xã còn lại phấn đấu đạt thêm từ 3 thành phần nội dung của các tiêu chí trở lên.

Người dân tích cực hiến đất làm đường, chung tay xây dựng NTM
Người dân tích cực hiến đất làm đường, chung tay xây dựng NTM

Tương tự, tại huyện Chư Sê, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, địa phương đã có 12 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,03%, thu nhập bình quân đầu người đạt 67,31 triệu đồng/năm. Đây là tiền đề để huyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024.

Huyện Chư Sê có 126 thôn, làng, tổ dân phố với dân số trên 128.000 người, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 50%. Khi bắt tay triển khai xây dựng NTM, huyện đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, thống nhất các chương trình hành động sát với thực tế. Trong đó, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân đầu tư phát triển sản xuất; thành lập các tổ hội, hợp tác xã để tập hợp các hộ có cùng sở thích trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cánh đồng lớn tạo ra chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao để bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Uyên Ny, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Thời gian qua, huyện đã vận động người dân chuyển đổi hơn 516 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu, cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm, trồng hồ tiêu, cà phê ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.514 ha. Đến nay, huyện có 14 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Xây dựng NTM bền vững

Mới đây, Hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng NTM bền vững ở tỉnh Gia Lai" được tổ chức nhằm ghi nhận và đánh giá đúng kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình. Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long, nhấn mạnh: Sau 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng NTM đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia. Thông qua chương trình, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư hoàn thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch - đẹp hơn. Các chương trình, đề án, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh giữ mức ổn định trên 7,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Số hộ nghèo giảm mạnh, đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Từ xuất phát điểm năm 2010, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 91/182 xã đạt chuẩn NTM; thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và Tp. Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 125 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt bình quân của các xã trên địa bàn tỉnh đạt 16,6% và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, luôn tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện biên giới Đức Cơ ngày càng khởi sắc
Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện biên giới Đức Cơ ngày càng khởi sắc

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 493 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2023. Theo đó, đối với 91 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2021, tiếp tục tổ chức rà soát thực trạng theo quy định tại Quyết định số 710 của UBND tỉnh Gia Lai ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, áp dụng trên địa bàn tỉnh; duy trì, nâng cao chất lượng những chỉ tiêu/tiêu chí đã đạt chuẩn và phấn đấu đạt chuẩn những tiêu chí mới... UBND tỉnh Gia Lai phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, 41 thôn, làng đạt chuẩn NTM trong năm 2023.

Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM năm 2023 đạt kết quả cao, UBND tỉnh Gia Lai huy động các nguồn vốn để triển khai, dự kiến tổng nhu cầu vốn sử dụng năm 2023 là 7.217,22 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương bố trí trực tiếp 365,155 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương các cấp 400,785 tỷ đồng; vốn lồng ghép 1.179,096 tỷ đồng; vốn tín dụng 3.410,539 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 1.074,222 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng 787,423 tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.