Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xây dựng NTM ở vùng biên xứ Nghệ: Quyết tâm lớn trong bộn bề khó khăn

Nguyễn Thanh - 17:16, 05/01/2023

Nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã biên giới tỉnh Nghệ An, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 12/1/2018 phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2017- 2020. Qua qua trình triển khai, Đề án được nhìn nhận là tiếp thêm “luồng gió mới” vào công cuộc xây dựng NTM ở vùng biên giới xứ Nghệ.

Hạ tầng giao thông các bản vùng biên của huyện Quế Phong được đầu tư khang trang nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM
Hạ tầng giao thông các bản vùng biên của huyện Quế Phong được đầu tư khang trang nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM

Tỉnh Nghệ An có 27 xã thuộc 6 huyện, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh nước bạn Lào. Trong giai đoạn mới 2021-2025, tỉnh Nghệ An đang đặt ra quyết tâm lớn trong lộ trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM ở khu vực miền núi, dẫu rằng vẫn còn quá nhiều khó khăn, thách thức.

Vượt khó…

Các xã biên giới có diện tích tự nhiên 472.236,1ha, dân số 127.847 người (trong đó đồng bào DTTS là 122.733 người, chiếm 96% dân số), với 27.794 hộ được phân bố trong 331 bản. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của tỉnh. 

Nhưng, đây cũng là khu vực tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thiếu bền vững; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là tự cung tự cấp; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; bên cạnh đó, an ninh trật tự khu vực biên giới còn tiềm ẩn phức tạp.

Việc Chính phủ ban hành Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An cho giai đoạn 2017-2020, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, dịch vụ, thương mại cửa khẩu. Đồng thời, xây dựng, cải thiện diện mạo khu vực nông thôn các xã giáp biên giới theo hướng khang trang, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương có đường biên giới.

Ngay như huyện Quế Phong, đến nay đã đạt bình quân 14 tiêu chí NTM, hộ nghèo giảm còn hơn 14%, nhà kiên cố và bán kiên cố đạt trên 86%, hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh chiếm trên 84%; có gần 97% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa.

Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc hơn trước. Đặc biệt, là tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số xã, tiếp tục được nâng lên; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; Nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.

Từ xây dựng NTM, làng nghề và nghề truyền thống đã được gìn giữ, bảo tồn, phát huy. Trong anh: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân xã Môn Sơn, Con Cuông
Từ xây dựng NTM, làng nghề và nghề truyền thống đã được gìn giữ, bảo tồn, phát huy. Trong ảnh: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân xã Môn Sơn, Con Cuông

Tuy nhiên, theo ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, khó khăn của địa phương là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn thiếu và khó đạt chuẩn; đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Sinh kế vẫn dựa quá nhiều vào rừng tự nhiên. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là người Đan Lai tỷ lệ hộ nghèo còn gần 100%... nhưng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết tâm vì mục tiêu xây dựng NTM.

Ông Quý cho hay: huyện đã có 3/12 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; có 23/107 thôn, bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn huyện đạt 12,4/19 tiêu chí/xã. Huyện Con Cuông có 2 xã biên giới Châu Khê và Môn Sơn, với chiều dài trên 61,8km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân vùng biên giới được cải thiện.

Triển khai thực hiện Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, tỉnh đã chỉ đạo các huyện lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ các xã biên giới để xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động người dân các xã biên giới, tích cực chung tay góp sức thực hiện các tiêu chí; qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn nói chung và 27 xã khu vực biên giới, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn miền núi, nhiều bản làng vùng cao đã từng bước thay da đổi thịt. Những trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học được dựng lên khang trang, sạch đẹp. Điều thực sự phấn khởi là, đời sống của bà con dân bản đã khấm khá, đổi thay rất nhanh. Nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng, trồng cây dược liệu… xuất hiện cho thu nhập khá và ổn định. 

Nhiều xã đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn xã NTM, tạo động lực rất lớn để triển khai chương trình. Vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền được phát huy, dân chủ được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.

Phong trào xây dựng NTM huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng tạo cảnh quan mới cho xã Tam Sơn - xã khó khăn của huyện Anh Sơn
Phong trào xây dựng NTM huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng tạo cảnh quan mới cho xã Tam Sơn - xã khó khăn của huyện Anh Sơn

Quyết tâm lớn

Việc xây dựng NTM ở 27 xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, vừa là yêu cầu, vừa là nguyện vọng của đồng bào các DTTS trong vùng; vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, những khó khăn từ thực tiễn các xã vùng biên giới, đang là những lực cản lớn đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn đó, ngày 13/12/2020 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, Nghị quyết đã nâng mức hỗ trợ cho các xã, thôn, bản thuộc 10 huyện miền núi gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và Nghĩa Đàn.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong triển khai xây dựng NTM ở các xã vùng biên giới là kinh phí để thực hiện. Địa bàn biên giới rộng, diện tích rừng nhiều; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, để đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí lớn. Hiện các địa phương đang đề xuất UBND tỉnh, điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với đặc thù của làng, bản cũng như phong tục tập quán của đồng bào. Cùng với đó, tiếp tục lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình dự án để hỗ trợ các thôn, bản xây dựng NTM.

“Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở, thường xuyên bám sát để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Tất cả đều được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu 80% thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021-2025, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”,  ông Đệ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.