Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xây dựng thương hiệu Tang’s Farm trên những hố bom

Phạm Tiến - 11:27, 09/10/2024

Trong suốt hơn 40 năm qua, cựu chiến binh Phạm Văn Táng đã âm thầm “kể” một câu chuyện dài về ý chí và nghị lực trong lao động của chính mình. Để rồi hôm nay, thung lũng đầy cỏ dại và lô nhô hố bom ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã trở thành điểm đến có thương hiệu Tang’s Farm cho du khách trong và ngoài nước.

Cựu chiến binh Phạm Văn Táng (Đội mũ Tai Bèo) chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch tại Tang’s Farm , huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Cựu chiến binh Phạm Văn Táng (đội mũ tai bèo) chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch tại Tang’s Farm

Từ xây dựng mô hình VAC để phát triển kinh tế

Chuyện bắt đầu từ hơn 40 năm về trước, cựu chiến binh Thành cổ Phạm Văn Táng rời tay súng về quê tìm đất để “chắc tay cày” xây dựng cuộc sống mới. Thung lũng Hưng Trạch, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được ông Táng chọn để làm nơi sinh cơ, lập nghiệp.

Xen lẫn với tiếng cười rộn rã của nhóm du khách người Úc, tiếng ông Táng chậm rãi: “Nơi này, thời điểm tôi chọn làm nơi lập nghiệp là vùng thung lũng âm u. Toàn bộ đây chỉ là cỏ dại và lởm chởm những hố bom. Nhưng được cái rộng rãi và biệt lập nên dễ bề chăn nuôi và trồng trọt”.

Đôi bàn tay chai sạn từng quen với súng đạn, chiến hào và ý chí kiên định của một người lính từng trải qua phút sinh - tử, ông Táng bắt đầu công cuộc khai hoang lập nghiệp. Ông bạt núi, mở đường, rồi từng bước cải tạo đất đai để biến vùng thung lũng này thành những vườn cây ăn quả xanh tươi. Trên những hố bom, người cựu binh Phan Văn Táng lại cải tạo thành ao thả cá.

Du khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm câu cá tại Tang’s Farm của gia đình ông Táng
Du khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm câu cá tại Tang’s Farm của gia đình ông Táng

Không dừng lại ở chuyện đủ cái ăn, cựu chiến binh Phạm Văn Táng còn xây dựng chuồng trại nuôi gà, lợn và các loài gia súc, gia cầm khác để hướng tới mục tiêu làm giàu. Có sức người cải tạo, thung lũng đầy hố bom và cỏ dại đã trở thành mô hình vườn – ao - chuồng (VAC) có hiệu quả kinh tế cao. Ít ai nghĩ, thung lũng Hưng Trạch nằm giữa bốn bề đồi núi này lại có một ngày trở thành mô hình kinh tế điểm ở huyện Bố Trạch. Thời cao điểm, mô hình kinh tế VAC của ông Táng nuôi đến 150 con lợn, ngoài ra còn có hàng trăm con gà, vịt thả vườn... và nhiều ao cá từ chính những hố bom.

Ngay trên những vết tích hoang tàn của chiến tranh, ý chí và nghị lực của một người lính đã chuyển thành vườn cây, ao cá trù phú. Không những làm giàu cho gia đình, mà chính ông Táng còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở vùng đất khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Đến làm du lịch ngay trên hố bom

Như một cái duyên để ông Táng làm du lịch, có dịp kể với bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình - thân thiện và mến khách. Đó là, một lần những du khách nước ngoài đang lưu trú tại khu nghỉ dưỡng Phong Nha Lake House (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) bày tỏ mong muốn, được trải nghiệm một mô hình nông nghiệp thuần Việt. Quản lý của khu nghỉ dưỡng đã dẫn họ đến trang trại của ông Táng. 

Khách du lịch quốc tế trải nghiệm ở mô hình nông nghiệp VAC của gia đình ông Táng
Khách du lịch quốc tế trải nghiệm ở mô hình nông nghiệp VAC của gia đình ông Táng

Tại đây, du khách thích thú khi được hòa mình vào không gian xanh mướt. Họ trải nghiệm câu cá, tham quan đồng lúa; hay đơn giản là được nghe cựu binh Phạm Văn Táng kể chuyện về những hố bom trong trang trại của mình. Cứ thế, hết nhóm khách này đi lại có nhóm khách khác đến, khu vườn của ông Táng rộn rã tiếng nói cười, với đủ thứ ngôn ngữ xa lạ.

Là người đi đây đi đó nhiều, anh Phạm Văn Hùng (con trai ông Táng) đã nhìn ra cơ hội làm du lịch từ chính mô hình VAC sẵn có của gia đình. Tiếp nối thành quả bao nhiêu năm gây dựng của cha, anh Hùng mạnh dạn đầu tư xây cải tạo thêm vườn để trở nên quy củ hơn. Anh còn dựng thêm khu nghỉ chân cho du khách, thuê đầu bếp để phục vụ và hướng dẫn du khách nấu những món ăn thuần Việt…, để du khách quốc tế được trải nghiệm. Cái tên Tang’s Farm cũng được hình thành từ đây.

Những món ăn phục vụ du khách tại Tang’s Farm đều là những món thuần Việt được trồng, nuôi tại trang trại
Những món ăn phục vụ du khách tại Tang’s Farm đều là những món thuần Việt được trồng, nuôi tại trang trại

Khách du lịch đến với Tang’s Farm vừa tham quan vườn cây, ao cá, vừa thưởng thức ẩm thực địa phương. Những món ăn đều được chế biến từ rau củ, cây trái vườn nhà. Sau 3 tháng mở cửa, Tang’s Farm đã có gần 2.000 lượt khách quốc tế ghé thăm quan. Từ mô hình kinh tế VAC, giờ đây Tang’s Farm đã bước lên một nấc thang mới, và trở thành điểm đến rộn rã tiếng nói cười của du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở tuổi 86, cựu chiến binh Phạm Văn Táng vẫn giữ được vóc dáng khỏe khoắn cùng làn da đỏ au và bản lĩnh của một người lính Thành cổ. Cách nói chuyện hóm hỉnh, lạc quan của ông khiến du khách nước ngoài luôn ưa thích và yêu mến. Cứ thế, ông Táng lại tiếp tục hành trình mới trong vai trò hướng dẫn viên du lịch. Để rồi người cựu chiến binh năm xưa lại say sưa giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình – thân thiện và mến khách.

Những câu chuyện ông kể về hố bom, đường Hồ Chí Minh…. Và chính những dấu vết chiến tranh còn hằn in trên cơ thể của chính ông, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế khi đến với Tang’s Farm, đến với Việt Nam.

(Bài KH): Dựng thương hiệu Tang’s Farm trên những hố bom  4
Du khách quốc tế thích thú với những trải nghiệm tại Tang’s Farm

Du khách quốc tế đến Tang’s Farm không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan đơn thuần, mà còn là những trải nghiệm văn hóa, lối sống. Nhiều đoàn khách thích thú khi được ông Táng giới thiệu về ngôi nhà ba gian hay góc bếp ám màu khói xám, nơi mà cả gia đình ba thế hệ của ông đang cùng nhau vui sống.

Khung cảnh bình yên ở thung lũng Hưng Trạch, hay trải nghiệm các khâu trong sản xuất nông nghiệp đã thu hút được khách quốc tế. Đặc biệt là câu chuyện về cuộc đời của cựu binh Phạm Văn Táng: Từ một người lính trở về sau chiến tranh, đến hành trình gian khó khai hoang lập nghiệp và cả sự hồi sinh mạnh mẽ của vùng đất đầy những hố bom đã chạm vào trái tim những du khác quốc tế. Chính sự hiếu khách, chân tình của gia đình cựu binh Phạm Văn Táng, sự yên bình của không gian Tang’s Farm đã níu chân nhiều du khách quay trở lại nơi này.

Tin cùng chuyên mục
Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc ở xã biên giới Thượng Phùng

Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc ở xã biên giới Thượng Phùng

Những năm qua, với việc lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng, Nhà nước; cùng với hướng đi, giải pháp tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo của xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã có sự thay đổi đáng kể, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.