Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hò thuốc cá - Hành trình từ lao động sản xuất đến Di sản quốc gia

Phạm Tiến - 09:09, 31/08/2024

Ai lên Minh Hóa thân thương / Điệu hò thuốc cá vẫn vương trong lòng/ Đôi ta đi thuốc rục mòn /Ténh khi nhiều cá chém tòn mà sương…; Qua bao thăng trầm, những câu Hò trong lúc đi thuốc cá của đồng bào các DTTS ở huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) đã vượt xa khỏi không gian khe suối và trở thành Di sản phi vật thể Quốc gia.

Hò để cổ vũ lao động sản xuất

Hò thuốc cá của người Nguồn (người dân sống lâu đời địa phương ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) và đồng bào các DTTS ở huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) được hình thành trong hoạt động đánh bắt cá ở các khe, suối. Khác với các phương thức đánh bắt khác như kéo lưới, thả câu…Thuốc cá là phương thức dùng chất có trong rễ cây Tèng để làm cho cá say, cá cay mắt, mờ mắt rồi nổi lên để bắt.

Thuốc cá là phương thức đánh bắt cá truyền thống có hiệu quả, tuy nhiên cần nhiều người (tính tập thế) cùng tham gia
Thuốc cá là phương thức đánh bắt cá truyền thống có hiệu quả, tuy nhiên cần nhiều người (tính tập thế) cùng tham gia

Muốn thuốc cá, trước hết phải lên rừng tìm đủ lượng rễ cây Tèng. Sau đó, ra đầu nguồn các khe suối có nhiều cá để xếp các viên đá thành hình cái cối rồi bỏ rễ, lá đã chọn vào giã. Đây gọi là công đoạn giã Tèng, nước rễ cây chảy đến đâu thì cá say, cay mắt rồi nổi lên đến đó. Người đi thuốc cá cứ thế theo dòng khe, suối vớt cá. 

Ngoài rễ cây Tèng ra, đồng bào các DTTS ở huyện Minh Hóa còn sử dụng rễ cây Hôi hôi hay còn gọi là cây Cơn Cơn để thuốc cá. Thuốc cá là hình thức đánh bắt hiệu quả nhưng đòi hỏi phải có nhiều người cùng tham gia. Có khi cả bản, cả làng cùng rủ nhau đi thuốc chung ở một khúc khe, suối….nên hoạt động đánh bắt này rất gần với không khí của lễ, hội làng.

Để cổ vũ thêm tinh thần lao động trong hoạt động đánh bắt cá, đồng bào các DTTS và người nguồn ở Minh Hóa đã sáng tác, truyền miệng những điệu hò. Hò thuốc cá vận dụng tứ thơ, luật thơ lục bát. Với lối diễn xướng linh hoạt, khẩn trương theo nhịp giã Tèng. Ngôn ngữ trong Hò Thuốc cá lại gần gũi gắn liền với hoạt động thường nhật nên phù hợp với diễn xướng, truyền miệng.

Hoạt động giã Téng, đánh bắt cá truyền thống được mô phỏng tái hiện lại nguyên bản
Hoạt động giã Téng, đánh bắt cá truyền thống được tái hiện lại nguyên bản

Thuốc cá là hình thức đánh bắt hiệu quả lúc bấy giờ nên nhanh chóng được “chuyển giao” khắp các bản làng ở huyện vùng cao Minh Hóa. Hò thuốc cá cũng theo đó mà lan toả trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc của người nguồn và đồng bào các DTTS. 

 Vượt ra khỏi không gian khe suối, Hò thuốc cá được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động, chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui.

 Di sản phi vật thể Quốc gia

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai đã tác động tích cực, toàn diện lên đời sống đồng bào các DTTS ở Minh Hóa. Cùng với sự đồng thuận tuyệt đối các chính sách, siêng năng cần cù trong lao động sản xuất đã tạo bước đột phá trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của đồng bào. Hò thuốc cá cũng theo đó mà vượt ra khỏi không gian khe, suối vốn có rồi ung dung “góp mặt” trong các cuộc thi hội diễn.

 Hò thuốc cá còn “hiện diện” trong lời ru của mẹ, lời diễn xướng tỏ tình đêm trăng… Rồi trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc và in đậm trong ký ức người nguồn và đồng bào các DTTS ở huyện vùng cao Minh Hóa. Giờ đây, Hò thuốc cá đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hò thuốc cá: Hành trình từ lao động sản xuất đến Di sản quốc gia 2
Từ trong hoạt động đánh bắt cá, Hò thuốc cá đã vượt ra khỏi không gian khe suối, "ung dung" góp mặt trên sân khấu, hội thi....

Hành trình đưa Hò thuốc cá trở thành Di sản phi vật thể quốc gia in dấu ấn của cộng đồng đồng bào các DTTS ở huyện Minh Hóa. Chính họ là những người sáng tạo, phát triển và lưu truyền loại hình nghệ thuật đặc trưng này. Tuy nhiên, trên hành trình đó đã in dấu ấn đậm nét của những cá nhân tâm huyết với Hò thuốc cá. Tiêu biểu như ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa (Quảng Bình). 

Ông Đình nguyên là cán bộ UBND huyện Minh Hóa. Sau khi về hưu, ông đã dành toàn bộ thời gian để đi khắp các bản làng để sưu tầm, tổng hợp lại những điệu Hò thuốc cá lưu truyền trong dân gian. Rồi chính ông cùng nhiều nghệ nhân ở địa phương phục dụng, dàn dựng và trình diễn ở các chương trình văn nghệ quần chúng, nhất là Hội rằng tháng giêng ở Minh Hóa.

Đầu năm 2021, dưới sự chủ trì của phòng văn hóa huyện Minh Hóa, ông Đình cùng phối hợp để hoàn thiện hồ sơ “ Hò thuốc cá” để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngày 25/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa”.

Hò thuốc cá: Hành trình từ lao động sản xuất đến Di sản quốc gia 3
Hò Thuốc cá tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình)

Sau khi được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, Hò thuốc cá lại càng có sức lan tỏa mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người nguồn và đồng bào các DTTS. Đến nay, ở minh Hóa đã có 10 Câu Lạc Bộ (CLB) hát dân ca, Hò thuốc cá. Khi nhàn rỗi, họ lại cùng nhau tập luyện để được ngân nga điệu điệu Hò thuốc cá để xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương và của tỉnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đinh Xuân Đình-Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: “Đến nay, đã có trên 400 người ở Minh Hóa tham gia các CLB dân ca, Hò thuốc cá. Trong đó, có những nghệ nhân tiêu biểu như Đinh Thị Phương Đống, Trần Khánh Nguyên, Đinh Thanh Đàn, Đinh Thị Hà, Cao Thị Hương. Đây là những người am hiểu hò thuốc cá từ lúc 15-16 tuổi, đến nay họ âm thầm giữ gìn phát triển giá trị của làn điệu Hò thuốc cá”.

Hò thuốc cá: Hành trình từ lao động sản xuất đến Di sản quốc gia 4
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa”.

Điều đặc biệt là, Hò thuốc cá đã đi vào các trường học ở huyện vùng cao Minh Hóa. Đơn vị tiên phong là Trường THCS Yên Hóa. Năm 2021, sau khi Hò thuốc cá được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, Trường THCS Yên Hóa cũng thành lập CLB đàn hát Hò thuốc cá với 30 thành viên tham gia.

 Đến tháng 10/2022, Trường THPT Minh Hóa cũng thành lập CLB “Em yêu làn điệu dân ca Minh Hóa”. CLB thu hút gần 30 thành viên gồm học sinh và giáo viên trong trường. Mỗi tuần, CLB sinh hoạt 1 lần. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên không chỉ tập hát mà còn tổ chức sưu tầm, sáng tác lời mới, mời nghệ nhân về giao lưu, truyền dạy điệu Hò thuốc cá.

Xuất phát từ đánh bắt cá của đồng bào các DTTS ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), Hò thuốc cá đã ung dung “góp mặt” trong các cuộc thi, hội diễn trên sân khấu. Hò thuốc cá còn “hiện diện” trong lời ru của mẹ, lời diễn xướng tỏ tình…đêm trăng. Để hôm nay, những câu hò: Chữ thập cải lại chữ thi / Làng ta đi thuốc năm ni được mùa / Chữ thập cải lại chữ thiên / Làng ta đi thuốc bình yên thọ trường…,trong Hò thuốc cá được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.   

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.