Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

“Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”: Giúp trẻ tự tin, sáng tạo hơn trong học tập

Hoài Dương - 10:13, 21/07/2020

Trẻ tự tin, sáng tạo hơn trong học tập, mạnh dạn hơn trong các hoạt động vui chơi và giao tiếp… là những kết quả quan trọng mà Trường Mầm non xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã đạt được sau 2 năm triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Trường Mầm non xã Bum Nưa tổ chức hình thức trải nghiệm cắm hoa cho trẻ
Trường Mầm non xã Bum Nưa tổ chức hình thức trải nghiệm cắm hoa cho trẻ

Đến Trường Mầm non xã Bum Nưa vào một buổi sớm tháng 6, chúng tôi cảm nhận rõ không khí hào hứng, vui tươi của trẻ cũng như phụ huynh khi đưa con đến lớp, đến trường. 

Gặp anh Vàng Văn Dân, dân tộc Thái, ở xã Bum Nưa đưa con là Vàng Văn Điển (4 tuổi) đến lớp, anh Dân chia sẻ, trước kia, mỗi lần đưa con đi học, bé thường khóc không chịu đi và đòi theo bố mẹ về. Nhưng chỉ sau 1 đến 2 tháng, bé đã thay đổi là thích đi học, thậm chí tự giác lấy balô quần áo để đi học. 

Là giáo viên trực tiếp dạy lớp 4 tuổi A2, cô giáo Lù Thị Hương chia sẻ: Việc đón trẻ và giữ trẻ của các cô hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều, do các bé đã tự tìm được niềm vui khi đến lớp, đến trường. 

Lý giải về điều này, cô Hương cho biết, tháng 8 năm 2019, Trường áp dụng triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, theo đó, Trường đã tận dụng mọi khoảng không gian trong trường để trồng cây xanh tạo bóng mát, làm vườn cây, vườn rau của bé; dành diện tích đất để làm vườn cổ tích, bên trong trồng cỏ tạo không gian cho trẻ luyện tập phát triển, bảo đảm an toàn cho trẻ khi vui chơi, thiết kế các khu chơi các trò chơi dân gian với các nguyên vật liệu gần gũi thiên nhiên... 

Cùng với đó, các hoạt động trải nghiệm cũng được thay đổi liên tục khiến trẻ thích thú và phát huy được khả năng. Đặc biệt, trong quá trình dạy học, giáo viên chú trọng các hoạt động, phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh ở mọi lứa tuổi, bảo đảm trẻ “học mà chơi, chơi mà học”.

Được biết, từ khi thực hiện chuyên đề, mỗi giờ học trên lớp, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tạo cơ hội để trẻ tự sáng tạo, tự khám phá. Ví dụ, tiết học kỹ năng sống, cô giáo dạy cho trẻ biết cách tự vệ sinh cá nhân, tự cởi mặc quần áo, lấy đồ dùng chuẩn bị đi học, cất ba lô đúng nơi quy định, tự giác thu dọn đồ chơi gọn gàng, cất ghế khi ra về, không đi theo người lạ... Hay như tiết hoạt động góc, cô giáo cho trẻ tự nhận góc chơi, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích… giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá, hình thành các kỹ năng giao tiếp xã hội (chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi); kỹ năng biết quan sát, lắng nghe, biết đặt câu hỏi. Thậm chí trẻ còn tự khám phá ra rất nhiều điều mới lạ như: Tại sao kiến đi thành đàn? Trời sắp mưa sao có nhiều mây đen? Nước có màu đục là vì sao?...

Để đổi mới, nâng cao chất lượng chuyên đề, mới đây, ngày 11/1/2020, Trường Mầm non xã Bum Nưa còn tổ chức hoạt động với chủ đề “Xuân yêu thương” gồm các hoạt động như, tạo hình bằng lá cây, cắm hoa, làm bưu thiếp, anbum ảnh, múa xoè,… trong đó, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ trẻ tự làm. 

Cô Nguyễn Chinh Chiến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Bum Nưa chia sẻ, với đặc thù một trường ở huyện miền núi, cơ sở vật chất, đồ dùng học tập thiếu thốn; việc thu hút học sinh tới trường còn nhiều tồn tại, hạn chế… nên việc thực hiện ý tưởng xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm của nhà trường đã mang lại kết quả tích cực. Hiện nay, có tới 90 - 95% trẻ mẫu giáo có tâm lý thích đến trường, mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, thường xuyên đặt câu hỏi trong giờ học; 80 - 85% trẻ em có tâm lý thích đến lớp, không khóc, nói lưu loát, lễ phép.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.