Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Xét tuyển giáo viên ở Yên Thành (Nghệ An): Mập mờ hai chữ “đặc cách”

Sỹ Hào - 19:44, 11/07/2020

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các địa phương được phép xét đặc cách đối với những giáo viên (GV) đã có hợp đồng lao động (HĐLĐ) và đóng BHXH bắt buộc theo quy định từ năm 2015 trở về trước. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) lại có cách xét tuyển “đặc cách” rất lạ thường.

Một góc Trường THCS Lê Doãn Nhã, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) - nới có giáo viên hợp đồng nhưng không được xét tuyển đặc cách. Ảnh: TL
Một góc Trường THCS Lê Doãn Nhã, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) - nới có giáo viên hợp đồng nhưng không được xét tuyển đặc cách. Ảnh: TL

Thân phận “con nuôi”

Cô giáo Phạm Thị H, GV một trường tiểu học trên địa bàn (xin giấu tên) nói trong nước mắt: “Tôi được Chủ tịch huyện ký hợp đồng từ năm 2007 và dạy học từ đó cho đến nay. Mặc dù công việc vất vả nhưng chỉ được nhận 2,2 triệu đồng tiền lương mỗi tháng và không được tham gia vào bất cứ cuộc thi nào để thể hiện năng lực của mình”.

Không chỉ cô H., hầu như tất cả các GV hợp đồng BHXH bắt buộc từ năm 2015 trở về trước của huyện Yên Thành đều thiệt thòi. Dù hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm, có thâm niên nghề, nhưng không được nâng lương theo quy định.

Cuối năm 2019, hàng trăm GV hợp đồng ở huyện Yên Thành đã thỏa lòng mong mỏi khi Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 về việc tuyển dụng đặc cách đối với GV đã có HĐLĐ và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước.

Sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ngày 12/12/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 8842/UBND-TH, trong đó nêu rõ, Sở Nội vụ tạm dừng xét tuyển và thi tuyển viên chức ngành Giáo dục, tập trung rà soát GV đang hợp đồng để tuyển dụng đặc cách. Các địa phương khẩn trương rà soát danh sách GV đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách báo cáo về Sở Nội vụ trước ngày 15/1/2020.

“Hỏa tốc” xét tuyển!

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tiến hành rà soát và gửi danh sách về Sở Nội vụ. Riêng huyện Yên Thành thì vẫn “giậm chân tại chỗ” nên Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An phải nhiều lần nhắc nhở. Gần đây nhất, ngày 2/6/2020, Sở Nội vụ đã có Công văn số 1153/SNV-CCVC đôn đốc UBND huyện Yên Thành triển khai tuyển dụng đặc cách đối với 309 GV hợp đồng trên địa bàn.

Gần 1 tháng sau (ngày 25 - 26/6), UBND huyện Yên Thành mới ban hành kế hoạch và tiến hành tuyển dụng đặc cách. Nhưng trong 309 GV thì huyện Yên Thành chỉ tuyển 144 trường hợp, còn 165 GV đủ điều kiện theo quy định thì bị bỏ lại?!.

Trong những GV bị gạt khỏi danh sách tuyển dụng đặc cách có những người công tác 13 năm trở lên, có những GV có năng lực, lại là con em gia đình chính sách thuộc đối tượng ưu tiên. Như trường hợp cô giáo Phạm Thị M., con Cựu chiến binh bị chất độc da cam; năm 2011, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm loại giỏi, cô được ký HĐLĐ nhưng nay không được xét tuyển.

Hay trường hợp cô Nguyễn Thị P., tốt nghiệp đại học loại giỏi, được ký hợp đồng làm GV bộ môn Sinh Hóa ở Trường THCS Lê Doãn Nhã (xã Sơn Thành) từ năm 2008. Nhưng trong kỳ xét tuyển vừa qua, cô bị loại; trong khi huyện lại tuyển dụng đặc cách 2 sinh viên vừa tốt nghiệp đại học (1 người dạy môn Hóa ở Trường THCS xã Mã Thành và 1 người dạy Địa lý ở Trường THCS Bạch Liêu)…

Việc tổ chức tuyển dụng GV đặc cách của huyện Yên Thành được thực hiện rất “hỏa tốc”. Cụ thể, ngày 25/6/2020, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ký Quyết định số 4518/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch xét tuyển đặc cách GV có HĐLĐ và đóng BHXH trước năm 2015 trên địa bàn. Cũng trong ngày 25/6, UBND huyện đã ra Thông báo số 104/TT-UBND về xét tuyển đặc cách; trong đó quy định: thời gian nhận hồ sơ xét tuyển hạn chót là ngày 26/6; phải nộp trực tiếp tại Phòng Giáo dục.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến cuối giờ làm việc chiều ngày 25/6, các trường (tiểu học, THCS) trên địa bàn huyện Yên Thành mới nhận được thông tin chính thức từ Phòng Giáo dục huyện gửi qua thư điện tử. Vì vậy, nhiều GV không kịp để chuẩn bị hồ sơ xét tuyển nên bị loại. Bị tước đoạt quyền lợi một cách oan ức, phi lý, từ ngày 27/6/2020, nhiều GV ở huyện Yên Thành có đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền để kêu cứu.

Rõ ràng, việc UBND huyện Yên Thành “hỏa tốc” tiến hành tuyển dụng đặc cách là một sự mập mờ rất khó hiểu. Vì sao trong 309 GV đủ điều kiện xét đặc cách, huyện Yên Thành lại chỉ tuyển 144 người; và trong điều kiện xét tuyển “hỏa tốc” đó, vì sao 144 người này đã có thông tin sớm chuẩn bị, còn 165 GV khác mãi đến sát thời hạn chót mới được biết? Những câu hỏi này xin gửi tới cấp có thẩm quyền của tỉnh Nghệ An.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.