Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS ở Đăk Glei: Hệ lụy từ hủ tục (Bài 1)

H.Đại - P.Nguyên - 17:00, 05/11/2022

Một thời gian dài, những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của những thế hệ đồng bào DTTS ở tỉnh Kon Tum, trong đó có huyện Đăk Glei. Hệ lụy từ những hủ tục đã trở thành rào cản đối với các bước phát triển kinh tế - xã hội, gây mất đoàn kết trong các bản làng đồng bào.

Kho lúa của người Gié Triêng, nơi trước đây bà con thường kiêng kỵ
Kho lúa của người Gié Triêng, nơi trước đây bà con thường kiêng kỵ

Những hủ tục ám ảnh đồng bào

Đăk Glei là huyện biên giới, nằm ở phía bắc của tỉnh Kon Tum. Huyện có 11 xã và 01 thị trấn, với 93 thôn, làng; dân số toàn huyện có 13.389 hộ, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 87% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Gié Triêng, Xơ Đăng. 

Trong ký ức của già làng A Toong (dân tộc Gié Triêng), thôn Đăk Boók, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, những hủ tục tồn tại lâu đời, như: tục cõng củi; tục tảo hôn; ốm đau nhờ đến thầy cúng, thầy mo và cúng trâu, bò; hay người chết xấu (người chết do tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử, sét đánh)… thì bà con hàng xóm kiêng không đến chia buồn gia đình; tục kiêng kị khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trong kho lúa thì phải bỏ cả kho lúa đó đi...

Già A Toong nhớ lại: Trước kia, nhiều hủ tục tồn tại lâu đời. Khi đó, gia đình ông có con dê đẻ chỗ kho lúa nhà người khác, thì bị họ bắt đền, phải đền bằng 2 cái ché và đền một kho lúa đó nữa. Hay chuyện buồn năm 2019, trong thôn có một người khi đi làm rẫy không may chết do nổ mìn,  bà con trong thôn không một ai đến thăm viếng, gia đình họ phải tự chôn cất vì bà con kiêng kị đó là cái chết xấu.

"Ngày xưa, hủ tục như đám cưới thì có khi nhà gái phải cõng 500 bó củi; đau ốm thì nhờ thầy mo đến cúng chứ không đi bệnh viện", ông A Méo ở thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, kể thêm.

Trước đây khi con gái lấy chồng phải chuẩn bị khoảng 100 đến 500 bó củi
Trước đây khi con gái lấy chồng phải chuẩn bị khoảng 100 đến 500 bó củi

Rào cản phát triển kinh tế - xã hội

Những hủ tục lạc hậu đó chính là rào cản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do người dân tốn nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu dẫn đến nghèo đói. Ông A Tài, già làng thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô chia sẻ: Gia đình tôi nuôi được một con trâu, thầy cúng đến phán là con trâu đó cắn, húc người nên phải làm thịt đi. Thế là gia đình tin theo và làm thịt, trong khi con trâu đó đổi khoảng 50 tấm thổ cẩm. Đúng là những hủ tục đó dẫn đến đói nghèo...

“Hồi xưa hủ tục nhiều lắm, liên tục nên không có thời gian để làm việc khác, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Như khi kiêng kỵ 10 ngày đến một tháng không đi làm, trong khi vào đúng lúc mùa vụ, mình không đi làm, dẫn đến mất mùa. Rồi bắt đền nhau nên cũng gây mất đoàn kết trong thôn. Nói chung rất khổ vì các hủ tục”,  ông A Toong, già làng thôn Đăk Boók, xã Đăk Plô bộc bạch.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ huyện, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế - xã hội của huyện Đăk Glei nói chung, trình độ dân trí nói riêng của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Qua công tác khảo sát, thì có 15 hủ tục, phong tục lạc hậu đã được xóa bỏ cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, hiện còn 06 hủ tục người dân vẫn duy trì như tục cõng củi; tục tảo hôn; tục ốm đau dài ngày không khỏi nhờ đến thầy cúng, thầy mo; tục người chết xấu; tục cõng người chết; kiêng kỵ khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trứng trên kho lúa...

Để giải quyết xóa bỏ những hủ tục đã "ăn sâu bám rễ" trong tiềm thức, đời sống của đồng bào DTTS không phải một sớm, một chiều; không phải của chính quyền, tổ chức hay lực lượng riêng lẻ nào...mà cần phải có sự quyết tâm, chung tay của cả hệ thống chính trị.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này ở các kỳ sau.

Tin cùng chuyên mục
Thống Nhất (Đồng Nai): Giải pháp để đồng bào DTTS phát triển bền vững

Thống Nhất (Đồng Nai): Giải pháp để đồng bào DTTS phát triển bền vững

Trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có đến 24 thành phần DTTS. Đồng bào DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn rộng, cách xa trung tâm tỉnh. Với đặc thù này, mặc dù có những khó khăn nhất định trong việc tổ chức các hoạt động đầu tư, hỗ trợ chính sách dân tộc, tuy nhiên bà con sống đan xen với các thành phần dân tộc khác nên việc học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, kinh doanh khá thuận lợi. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để đến nay huyện Thống Nhất đã nâng GRDP đạt trên 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,66%.