Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cuộc "cách mạng" trong đời sống đồng bào Mông ở Thanh Hóa: Người cán bộ Mông "lội ngược dòng" (Bài 3)

Quỳnh Trâm - 17:51, 15/09/2022

Trong hành trình tuyên truyền, vận động đồng bào Mông đẩy lùi và xóa bỏ hủ tục trong tang ma , từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới trong vùng đồng bào Mông nơi rẻo cao Thanh Hóa, người được bà con nhắc đến nhiều là ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, là người Mông tiên phong, có công lớn để "con ma hủ tục" không có đất sống.


Ông Lâu Minh Pó, là người Mông tiên phong đưa người chết vào quan tài
Ông Lâu Minh Pó, là người Mông tiên phong của địa phương đưa người chết là chú ruột vào quan tài

Người "lội ngược dòng"

Từ thực tiễn đánh giá cho thấy, đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” đã thực hiện thành công ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Đặc biệt, mỗi khi nhắc đến việc xóa hủ tục tang ma của người Mông, các cấp chính quyền, người dân đều nhìn nhận rõ về vai trò, công lao lớn của ông Lâu Minh Pó, dân tộc Mông, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát. 

Sau nhiều năm làm việc Nhà nước, ông Pó trở về bản đồng bào người Mông của mình ở xã Pù Nhi. Ông Pó nhớ lại, trước kia, người Mông tổ chức tang lễ cho người chết không đưa vào quan tài. Hủ tục này đã diễn ra hàng trăm năm, là nỗi kinh hãi của nhiều người, ngay cả với đồng bào người Mông, nhưng không ai dám thay đổi.

Trong một dịp được đi học tập và nghiên cứu, ông Lâu Minh Pó đã đọc được tài liệu viết về việc người Mông cũng từng có truyền thống, dùng quan tài để chôn cất người chết trong lịch sử.

Nhưng thời kỳ bị kẻ thù truy đuổi, người Mông trên đường trốn chạy đã không kịp tìm áo quan cho người chết, dần dần, điều này trở thành thói quen của họ, rồi các thế hệ sau cứ thế tiếp nối thành phong tục. “Khi đọc được những tài liệu này, tôi mới thực sự quyết tâm cần phải thay đổi tục lệ tang lễ của người Mông”, ông Pó nói.

Năm 2013, một người chú ruột của ông mất, ông liền hạ quyết tâm phải đưa thi hài người chú vào quan tài cho bằng được, để làm hình mẫu thay đổi nhận thức về tang ma cho đồng bào Mông.

“Tôi sợ nếu bây giờ không làm thì mãi tôi sẽ không bao giờ làm được nữa. Thời điểm đó,   hầu hết những người trong dòng họ đều phản đối tôi và bố đẻ cũng đã phản đối kịch liệt. Còn những người Mông trong bản thì kinh sợ việc làm của tôi sẽ khiến thần linh giận dữ".

Từ sự quyết tâm của mình, bằng uy tín bao năm từng làm cán bộ lãnh đạo, ông Lâu Minh Pó cũng đã thuyết phục dòng họ phải đưa thi hài người chú vào quan tài. Đồng thời, không giết thịt trâu, bò hàng loạt để cúng bái như trước kia người Mông vẫn thường làm. Đám tang cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, nhanh gọn và đơn giản hơn.

Sau đám tang đó, ông Pó bị bố đẻ giận không nhìn mặt, còn dân làng thì bàn tán xôn xao. “Họ nói rằng tôi sẽ chết sớm vì bị thần linh nguyền rủa, người thân sẽ ốm đau, bệnh tật, làm ăn không nên. Nhưng tôi bảo tôi đã có Đảng và Nhà nước bảo vệ, tôi không sợ”, ông Pó kể lại. 

Hơn nửa năm sau, khi thấy ông Pó vẫn khỏe mạnh, nhiều người bắt đầu tin theo. Có 5 đám táng của người Mông được cử hành theo nghi thức mới.

Người Mông ở Thanh Hóa đã dần xóa bỏ các hủ tục để vươn lên làm giàu, nhanh chóng bắt kịp các dân tộc anh em khác
Người Mông ở Thanh Hóa đã dần xóa bỏ các hủ tục để vươn lên làm giàu, nhanh chóng bắt kịp các dân tộc anh em khác

Quyết tâm không để con ma hủ tục có đất sống

“Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông” được phê duyệt năm 2013, như tiếp thêm sức mạnh cho người cán bộ tận tụy với dân như ông Pó tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.

Có đề án ủng hộ, ông Pó rất vui mừng. Với tiếng nói uy tín của mình, ông tiếp tục vận động, tuyên truyền đến tất cả người Mông ở huyện Mường Lát, thay đổi tục lệ tổ chức lễ tang. Ông cho họp những người đứng đầu các dòng họ để thuyết phục, bằng chính câu chuyện đám tang của chú ruột mình.

Ban đầu, có 3 dòng họ ủng hộ làm theo đề án. Dù vậy, chỉ có sự đồng tình của người trẻ, còn những người già thì phản đối kịch liệt. Để vận động, thay đổi nhận thức của đồng bào, ông Pó đã lặn lội đi khắp các bản làng có người Mông để nói chuyện, để khuyên nhủ đồng bào. Dần dà, mưa dần thấm lâu, bà con đã tin theo.

“Đề án đến nay thành công, cũng có công của những người tiên phong như anh Hơ Chứ Hơ (sinh năm 1962) ở bản Cá Nọi và anh Hơ Chứ Xá. Khi anh rể của Xá qua đời, anh Xá đã khuyên chị dâu đưa vào quan tài thành công. Sau dòng họ Hơ, các họ các thấy cách làm như vậy là sạch sẽ nên cũng lần lượt làm theo. Đến nay, đã có 8 dòng họ đều hoàn toàn ủng hộ tục tang lễ mới”, ông Pó chia sẻ.

Ông Lâu Minh Pó thông tin thêm, phấn khởi là lớp trẻ hiện nay rất sợ tục lệ tang ma kiểu cũ. Người Mông giờ đây không còn ai muốn đến đám tang mà không khâm liệm người quá cố vào quan tài. Hơn nữa, con cháu của người chết cũng bỏ bớt các thủ tục gây tốn kém, không còn làm thịt nhiều trâu, bò để làm tang ma nữa. Nếu trước đây, tang lễ kéo dài hàng tuần thì nay chỉ còn 3 ngày là phải chôn cất xong.

 “Bà con bây giờ cũng nói là đã thấy rõ việc này rất tốt, rất văn hóa, văn minh, bởi đám tang sạch sẽ và tiết kiệm hơn nhiều so với trước kia”, ông Pó vui vẻ nói.

Hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước, bỏ "áo quan" về với dân bản, ông Lâu Minh Pó  vui vì bà con người Mông đã dần theo nếp sống văn hóa mới. Nhưng vẫn còn trăn trở khi trong đồng bào Mông tục tảo hôn vẫn còn diễn ra khá nhiều, ông mong lớp trẻ DTTS hôm nay đang nhận được quan tâm, chăm lo hơn trước rất nhiều, sẽ thay đổi được nhận thức  tiếp thu kiến thức mới, xóa bỏ các hủ tục này để vươn lên làm giàu, nhanh chóng bắt kịp các dân tộc anh em khác. 

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.