Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cuộc "cách mạng" trong đời sống đồng bào Mông ở Thanh Hóa: Thực hành bài học "mưa dầm thấm lâu" (Bài 2)

Quỳnh Trâm - 13:57, 09/09/2022

Từ khi Đề án thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Thanh Hóa được triển khai, cấp ủy, chính quyền các địa phương có người Mông sinh sống, đã nỗ lực bằng mọi cách, mọi giải pháp kiên trì truyên truyền, vận động theo phương châm 'mưa dầm thấm lâu", làm thay đổi cách suy nghĩ cổ hủ, từng bước đẩy lùi hủ tục ở các bản đồng bào Mông...

Đồng bào Mông thực hiện nghi thức tang ma theo nếp sống mới
Đồng bào Mông thực hiện nghi thức tang ma theo nếp sống mới

Nhiều hình thức tuyên truyền vận động phù hợp

“Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2181) được phê duyệt năm 2013, với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở nhiều cấp, được xem như một cuộc "cách mạng" nhằm thay đổi nhận thức, đẩy lùi hủ tục trong tang ma,  xây dựng đời sống văn hoá mới cho đồng bào Mông ở tỉnh Thanh Hoá.

Đề án 2181 đã được thực hiện ở cả cấp huyện, xã và thôn bản của  3 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trước hết, cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; huy động các lực lượng công an, bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn các huyện. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức các xã miền núi, biên giới, cán bộ thôn, bản vùng đồng bào dân tộc Mông; xây dựng và phát huy vai trò Người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong đồng bào dân tộc Mông...tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào.

 Khi bắt tay vào triển khai đề án, chính quyền các địa phương đã gặp phải không ít sự phản đối của đồng bào Mông, nhất là những người già tư tưởng còn lạc hậu.Thấy cán bộ đến nhà, nhiều người còn trốn không tiếp, sợ có lỗi với tổ tiên. Nhiều người Mông sống trên địa bàn còn nói, không có dòng họ người Mông nào cho phép phá bỏ tập tục xưa, dòng họ nào cũng sợ làm trái tập tục sẽ bị tổ tiên trừng phạt.

"Khi cán bộ trực tiếp xuống từng gia đình để vận động tổ chức an táng theo cách mới, nhiều người phản đối. Thậm chí cán bộ, đảng viên bị người trong dòng họ chỉ trích vì dám đi ngược tục lệ, bị dọa không theo lệ cũ sẽ phải chịu hậu quả xấu", ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn kể lại quá trình tham gia vận động.

Tuy nhiên, cán bộ, chính quyền, các lực lượng với sự kiên trì, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, sâu sát vào quần chúng. Đặc biệt, nắm bắt tình hình trong các dòng họ người Mông, lớp người già có vai trò, vị trí và tiếng nói vô cùng quan trọng, nếu nhận được sự ủng hộ thay đổi của họ chính là mấu chốt giải quyết các vấn đề tồn tại. Do vậy,  trong các cuộc họp thôn bản, cán bộ chính quyền địa phương, người đứng đầu bản sẽ đứng ra giải thích, tuyên truyền, khuyên nhủ; đồng thời, đến từng nhà những người đứng đầu các dòng họ người Mông để vận động, đả thông tư tưởng cho họ. 

Cán bộ đi đến từng bản làng của người Mông để tuyên truyền nếp sống văn hoá mới
Cán bộ đến từng bản làng của người Mông để tuyên truyền nếp sống văn hoá mới

Không chỉ vận động suông

Mặc dù vậy, thời gian đầu triển khai Đề án (năm 2013), mới chỉ có ít dòng họ thực hiện theo văn hóa tang ma mới, nhưng từ khi đám ma của cụ Lâu Chứ Dơ (66 tuổi), trú tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (đầu tháng 6/2013), là người Mông đầu tiên tại Thanh Hóa, sau khi chết được đưa vào quan tài ngay, các nghi thức tang ma được tổ chức theo nếp sống mới, đã tác động và làm thay đổi tư tưởng của đồng bào Mông  không chỉ ở Mường Lát, mà còn lan truyền sự kiện này sang nhiều bản Mông ở Quan Sơn, Quan Hóa về quyết định "liều lĩnh" của gia đình, dòng họ Lâu đã tổ chức tang ma theo nếp sống mới.

Từ sau đám tang của cụ Dơ, được mai táng theo nếp sống mới; cùng với cách vận động tận tình, trách nhiệm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của chính quyền, các lực lượng, dần dà bà con đã lắng nghe và nhận thấy, những lợi ích thiết thực từ việc đưa xác người chết vào quan tài ngay sau khi chết, không để xác người chết quá lâu trong nhà gây mùi hôi, ảnh hưởng môi trường, không còn phải vay mượn mổ nhiều trâu, bò, gà vịt...nên không tốn kém, nhất là việc không thấy ai bị thần linh quở trách, từ đó các gia đình mới bảo nhau học hỏi và thực hiện theo.

Ngoài việc triển khai hiệu quả đề án tuyên truyền về tang ma, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ các bản đặc biệt khó khăn như mở đường vào bản Mông ở Quan Sơn
Ngoài việc triển khai hiệu quả đề án tuyên truyền về tang ma, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ các bản đặc biệt khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng

"Nhiều cán bộ sau khi thực hiện tang lễ cho người thân theo hướng văn minh, đã xuống cơ sở thường xuyên hơn để chứng minh mình vẫn khỏe mạnh, chẳng có hậu quả xấu nào. Đây cũng là cách để sau đó nhiều người mới tin theo", ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn chia sẻ thêm.

Theo ông Hòa, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quan Sơn đã tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, 10 hội nghị về Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, giai đoạn 2016 - 2020”, lồng ghép tại 3 bản của người Mông, thu hút hơn 1.300 lượt người tham gia; hỗ trợ cho 16 đám tang tại 3 bản của người Mông, với tổng kinh phí là 128 triệu đồng; quy hoạch nghĩa địa tập trung ở cả 3 bản.

Đồng bào Mông ở Thanh Hóa vui Tết Độc lập. Ảnh: minh họa
Đồng bào Mông ở Thanh Hóa vui Tết Độc lập. Ảnh: minh họa

Kết quả của sự kiên trì 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn có 100% đám tang thực hiện không bắn súng thông báo có người chết; 100% (44/44) bản Mông, đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản; Huyện cũng đã tổ chức cho trưởng dòng họ, già làng, Người có uy tín được đi tham quan trao đổi kinh nghiệm về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ với các địa phương người Mông tại tỉnh Hà Giang; Tổ chức các lớp học về bảo tồn văn hóa của dân tộc (có các bài mo trong tang lễ người Mông) do các nghệ nhân người Mông trực tiếp truyền dạy thu hút nhiều đồng bào Mông tham gia.

 Tại huyện Mường Lát, từ khi thực hiện đề án đến hết 2020, huyện đã tổ chức 97 hội nghị tuyên truyền với 4.023 lượt người tham gia.Theo đó, đã có 92,7% đám tang đồng bào Mông thực hiện theo đề án so với tổng số đám tang đồng bào Mông xảy ra trên địa bàn; 125 người chết được đưa vào nghĩa địa của thôn, bản; 38 bản người Mông thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ gắn với hương ước. Huyện cũng đã hỗ trợ cho 167 đám tang của đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa, với tổng số kinh phí được hỗ trợ là 1 tỷ 336 triệu đồng, ngoài ra, còn có 160 đám tang thực hiện nếp sống văn hóa nhưng không nhận hỗ trợ

Phấn khởi thông tin về sự thay đổi trong tang ma của đồng bào Mông, ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư huyện ủy Mường Lát, người đóng góp nhiều công sức trong việc đẩy lùi hủ tục tang ma vùng đồng bào Mông nhìn nhận: năm đó, việc cụ Dơ sau khi quá cố được đưa vào quan tài ngay, là một cuộc "cách mạng” trong nhận thức của người Mông ở Thanh Hóa, đánh dấu thành công bước đầu của Đề án. Từ nền tảng đó, đến nay, người Mông ở hầu hết các huyện đã hoàn toàn xóa bỏ được hủ tục lạc hậu trong tang ma trước kia. Người trẻ không ai còn muốn thực hiện theo tục lệ cũ. 

Theo báo cáo của Ban Dân tộc Thanh Hóa, trong giai đoạn 2013-2020, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông, với tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 4,2 tỷ.

Trong đó, công tác tuyên truyền đã tổ chức 12 hội nghị với 900 người tham gia, tổ chức cho 21 người gồm trưởng họ, già làng, Người có uy tín đi tham quan các địa phương có nếp sống văn hóa tang lễ tại Hà Giang. Bên cạnh đó, đề án đã hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông, hỗ trợ dòng họ và gia đình tổ chức tang lễ hơn 1,6 tỷ, đã có 380 đám tang người dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn hóa và 1.939 gia đình người Mông đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

"Để đời sống đồng bào Mông được cải thiện hơn và cuộc "cách mạng" đẩy lùi hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới duy trì bền vững, thì các cấp chính quyền cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho đồng bào; tăng cường các điều kiện tiếp cận thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ thiết thực đối với đồng bào bằng các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí... ", nguyên Bí thư huyện ủy Mường Lát đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.