Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xóa đói giảm nghèo từ mô hình trồng quế ở Tràng Định

Thanh Phong-Thúy Hồng - 6 giờ trước

Nhận thấy giá trị từ cây quế đem lại, thời gian qua, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tích cực vận động Nhân dân trồng cây quế để phát triển kinh tế. Với giá trị kinh tế cao, cây quế đã và đang là cây trồng chủ lực giúp đời sống của bà con địa phương từng ngày khởi sắc.

Cây quế mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Tràng Định
Cây quế mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Tràng Định

Tràng Định là vùng đất có thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi cho phát triển các loại cây lâm nghiệp và cây dược liệu như quế, hồi. Trước đây, cây quế chỉ được người dân trên địa bàn trồng manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sau thời gian nhận thấy quế và hồi không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao do nhu cầu thị trường lớn nhất nên được người dân quan tâm đầu tư phát triển.

Đặc biệt từ năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tràng Định ban hành Nghị quyết số 37-NQ/HU ngày 18/6/2021 về xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị cây quế, hồi giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 37). Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, đã mang lại những chuyển biến tích cực, phát triển, nâng cao giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định, trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng hồi, trám đen, keo, bạch đàn. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 37, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã và các tổ chức hội đoàn thể đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến 9/9 thôn, bản; rà soát diện tích đất rừng nghèo kiệt để phát triển cây quế. Người dân nhận thức được giá trị của cây quế đã dần chuyển sang trồng loại cây chủ lực này. Năm 2021 xã mới có 120 ha quế, đến nay đã tăng lên 200ha, có hộ còn phát triển vườn ươm để cung cấp giống cho bà con trong xã, huyện và các tỉnh lân cận.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển cây quế, huyện Tràng Định đã có chính sách hỗ trợ về vốn, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế cho người dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nhận thấy giá trị cây quế đem lại, chính quyền huyện Tràng Định đã vận động nhân dân mở rộng diện tích
Nhận thấy giá trị cây quế đem lại, chính quyền huyện Tràng Định đã vận động nhân dân mở rộng diện tích

Ông Triệu Văn Thụ ở thôn Phan Thanh, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình ông có khoảng 2,5ha quế trồng được 3 năm, riêng năm 2024 này, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ phân bón để chăm sóc cây quế. Nhờ được hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây quế, gia đình kỳ vọng năng suất, chất lượng quế sẽ được nâng lên so với trước kia.

“1ha quế tùy theo lứa tuổi từ 8-10 tuổi trở lên sẽ cho thu hoạch tầm 8 tấn. Với giá thành khoảng 20-30 nghìn đồng/tấn quế tươi, mỗi ha thu được khoảng 200-230 triệu đồng. Bình quân 1 cây quế trưởng thành cho thu nhập khoảng 200 nghìn đồng. Hy vọng cây quế sẽ giúp gia đình phát triển kinh tế, nâng thu nhập”, ông Triệu Văn Thụ chia sẻ thêm.

Tương tự, anh Hoàng Văn Đại ở thôn Khuổi Cù, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết, hiện gia đình anh đang sở hữu 4 ha diện tích trồng quế. Trước kia, diện tích đất này, gia đình anh chủ yếu trồng cây bạch đàn, cây keo… tuy nhiên do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên những loại cây này cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. 

Được cán bộ ngành nông nghiệp tuyên truyền về các giống cây mới như: hồi, quế..., gia đình anh và nhiều hộ dân trong xã đã quyết định chuyển sang trồng cây quế từ năm 2010. Đến nay, gia đình anh Đại mỗi năm khai thác hơn hai tấn sản phẩm từ cây quế, với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Cây quế đã giúp gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác trong thôn xóa được đói, nghèo, cải thiện cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ.

Ông Hoàng Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Trên địa bàn xã có trên 1.000 ha diện tích cây quế. Hàng năm thu nhập từ việc trồng quế của các hộ dân có thể đạt hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ nghèo thoát nghèo, xây được nhà khang trang, có thêm điều kiện cho con em học hành.

Hiện nay, huyện Tràng Định tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu...

Đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định đã hình thành một số vùng trồng rừng tập trung như: vùng quế xã Đề Thám, Kim Đồng, Tân Tiến, Đoàn Kết... với tổng diện tích quế đạt gần 7.000 ha, sản lượng ước đạt trên 800 tấn vỏ quế khô. Duy trì 01 mô hình và 02 chuỗi liên kết sản phẩm quế, với tổng quy mô 179,44ha, đạt 300% KH, qua đó tạo liên kết cung ứng vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân tham gia chuỗi. 

Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 20 cơ sở ươm cây giống quế cung cấp khoảng hơn 20 triệu cây giống cho Nhân dân trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.

Hiện cây quế là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở huyện Tràng Định
Hiện cây quế là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở huyện Tràng Định

Cây quế đã góp phần không nhỏ trong chiến dịch giảm nghèo ở địa phương, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Tính đến tháng 10 năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 427 hộ, chiếm tỷ lệ 2,47% (giảm 1,87%). Số hộ cận nghèo 1350 hộ, chiếm tỷ lệ 7,81% (giảm 0,39%).

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Hiện cây quế là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở huyện Tràng Định. Việc phát triển cây quế, không những giúp tận dụng lợi thế của địa phương, người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước, mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Lấp đầy những “khoảng trống” cơ bản về thực trạng kinh tế - xã hội sau điều tra 53 DTTS

Lấp đầy những “khoảng trống” cơ bản về thực trạng kinh tế - xã hội sau điều tra 53 DTTS

Thu thập thông tin về tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục... của các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi là nội dung quan trọng trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Qua điều tra, đã cho thấy những “khoảng trống” cơ bản về điều kiện sống, về kinh tế, xã hội, văn hóa… còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sống, thụ hưởng của người dân trong vùng.
Đọc nhiều