Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Mở hướng thoát nghèo từ cây quế

Văn Phong - 17:56, 06/12/2023

Nhờ phát huy thế mạnh từ cây quế mà tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 20,6% (năm 2022), giảm hơn 12% so với năm 2020. Nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ 50 - 100 triệu đồng/năm, chủ yếu là từ bán quế.

Bà con DTTS được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế
Bà con DTTS được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế

Bình Gia là huyện miền núi, vùng cao, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 75km, có 5 dân tộc chính là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa cùng sinh sống, người dân huyện Bình Gia chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy,

Xã Tân Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Nhiều năm trước, mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên cái đói, cái nghèo luôn bủa vây.

Để giúp bà con ổn định kinh tế, thoát nghèo, từ nhiều năm trước, chính quyền địa phương đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, dựa vào đồi rừng. Trong đó, cây quế được lựa chọn là cây trồng chủ lực.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DDTS và miền núi; người dân trên địa bàn xã Tân Hoà đã được Nhà nước hỗ trợ phân bón và giống cây trồng. Bên cạnh đó, từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đồng bào DTTS còn được vay vốn để để mở rộng quy mô trồng quế. Đến nay, vùng quế Tân Hòa đã có diện tích gần 600ha, độ tuổi quế trung bình từ 1 đến hơn 10 năm, nhiều diện tích đã cho khai thác.

Anh Đặng Hoa Lin, người dân tộc Dao ở thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng quế. Cách đây hơn 10 năm trước, được sự vận động, tư vấn của cán bộ xã, anh Đặng Hoa Lin đã mạnh dạn thí điểm trồng quế tại vườn nhà. Sau khi thu được lượng tinh dầu tương đối cao, cây quế sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình anh đã đầu tư trồng quế trên toàn bộ diện tích đất rừng được giao. Hiện tại, anh có trên 5ha rừng quế, với hơn 15.000 cây, cho thu nhập ổn định gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình bà Đặng Thị Tàn cách đây 8 năm trước trồng 10 vạn cây quế trên diện tích 15 ha. Sau 5 năm, gia đình bà thu hoạch theo hình thức tỉa được 3 tấn vỏ quế giúp mang về nguồn thu 130 triệu đồng. Trung bình 1ha quế trồng 10 năm sẽ cho thu về 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình bà còn đầu tư làm vườn ươm cây quế phục vụ nhu cầu giống của người dân nên mỗi năm có thêm thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi bán khoảng 30 vạn cây con.

Hay như tại xã Vĩnh Yên, thời điểm cuối năm 2022, tổng diện tích cây quế lên tới hơn 600ha. Xác định cây quế là một trong những loại cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, những năm qua, chính quyền xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc phát triển cây quế. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 185 hộ trồng cây quế. Nhiều hộ có diện tích trồng quế có tuổi từ 5 đến 6 năm đã cho khai thác, bước đầu thu được từ 40 đến 50 triệu đồng/hộ/vụ.

Nhờ cây quế, đời sống của đồng bào DTTS tại huyện Gia Bình ngày càng được cải thiện
Nhờ cây quế, đời sống của đồng bào DTTS tại huyện Gia Bình ngày càng được cải thiện

Chị Triệu Thị Tuyết ở thôn Vằng Ún, xã Vĩnh Yên hiện có khoảng trên 10 ha quế từ 1 đến 8 năm tuổi. Đến nay, quế đã cho khai thác tỉa, mỗi năm thu hoạch được từ 20 đến 30 triệu đồng. Nhận thấy quế là cây trồng có giá trị kinh tế cao, thời gian tới, gia đình chị sẽ trồng mới thêm cây quế trên diện tích đất của gia đình và chăm sóc diện tích quế đã được khai thác.

Tại huyện Bình Gia hiện nay, cây quế không chỉ được trồng tập trung tại xã Vĩnh Yên, Tân Hòa mà còn được trồng tại các xã: Thiện Long, Hòa Bình, Hưng Đạo… Việc các xã tập trung phát triển cây quế giúp tổng diện tích loại cây này trên địa bàn huyện nâng lên khoảng 4.000ha.

Cũng nhờ phần lớn từ quế mà năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bình Gia chỉ còn 20,6%, giảm hơn 12% so với năm 2020. Nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ 50 - 100 triệu đồng/năm, chủ yếu là bán quế.

Không chỉ vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình sản xuất trồng quế, để có được hướng đi lâu dài, tạo sinh kế bền vững cho người dân, thời gian qua, huyện Bình Gia đã tập trung phát triển cây quế thành vùng nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị.

HTX Quế - Thạch Đen Tân Hòa ra đời năm 2021 là một trong những mô hình kinh tế đầu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm tại địa phương. Hiện nay, HTX thường xuyên tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, công việc chủ yếu là vào bầu quế, chăm sóc vườm ươm, chăm sóc rừng quế, bóc vỏ quế…

Để phát triển sản xuất, HTX Thạch Đen đã đầu tư máy móc phục vụ sơ chế, chế biến quế, đồng thời tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm để tạo chuỗi liên kết bền vững. Nhờ vậy mà chỉ riêng hoạt động bán giống cũng đã giúp HTX thu về khoảng 400-500 triệu đồng/năm. Hằng tháng, HTX tạo công ăn việc làm từ 5 - 7 lao động. Ngoài lao động thường xuyên thì theo mùa vụ cũng thu hút khoảng 20 - 30 lao động. Với mô hình này thì cũng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm với bà con dân tộc, đặc biệt là dân tộc Dao, giúp nhân rộng mô hình đến tất cả các thôn, xã trên địa bàn huyện.

Toàn huyện Bình Gia hiện có trên 98.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 89% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng sản xuất lớn, nguồn lao động dồi dào là lợi thế để địa phương này phát triển lâm nghiệp.

Cây quế không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn phủ xanh đất trống, đồi trọc
Cây quế không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn phủ xanh đất trống, đồi trọc

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, UBND huyện Bình Gia đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó mũi nhọn là trồng cây quế.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, trong đó gần đây nhất mà huyện đang triển khai là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, người dân đã được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều hộ được vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô trồng quế.

Theo thống kê của UBND huyện, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trồng các loại cây lâm nghiệp, trong đó có cây quế, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã có 31 dự án vay vốn được phê duyệt, tổng số tiền đã giải ngân là 13.778,2 triệu đồng.

Việc phát triển cây quế không những giúp tận dụng lợi thế của địa phương, người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.