Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xứ ngàn cau thương nhớ

PV - 15:19, 17/11/2020

Núi non hùng vĩ bao phủ bởi màu xanh cây lá khi đất trời sang thu. Những thân cau gầy vươn cao như muốn ôm lấy mây ngàn. Tình người miền sơn cước níu chân lữ khách, quyến luyến phút chia ly...


 Ruộng bậc thang ở xứ ngàn cau
Ruộng bậc thang ở xứ ngàn cau

Bóng chiều nghiêng rồi dần tắt như mẹ thiên nhiên gom tơ vàng lấp lánh cho gió cuốn về nơi cuối trời. Chim sải cánh bay về núi sau ngày rong ruổi chốn xa xôi. Lòng tôi dậy lên nỗi nhớ miền núi non điệp trùng ở miền cao tỉnh Quảng Ngãi. Nơi ấy là huyện Sơn Tây với những tộc người Ca Dong, Cor, Hrê, Kinh sống hòa hợp trong bản làng giữa núi rừng. Theo lời nhắn nhủ của người bạn, tôi đến và lưu lại nơi này vào những ngày thu trước.

Nét đặc trưng nơi đây là cây cau hiện diện trong vườn nhà và khắp núi đồi nên được mệnh danh là xứ ngàn cau. Cau gắn bó với bao kiếp người từ thuở lọt lòng đến khi lìa đời về với tổ tiên. Thân cau già rắn chắc dùng làm cột nhà, làm kho chứa lúa. Lá cau lợp mái nhà che mưa nắng qua những ngày ấm lạnh. Mo cau dùng làm ly uống nước, làm chén ăn cơm và mang cơm nắm trong những buổi trèo đèo, lội suối lên nương hay săn thú rừng. Quả cau được bán, trao đổi những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống thường ngày. Cau với trầu dâng cúng tổ tiên và mời nhau “cho môi đỏ, thắm nghĩa đậm tình”. Dáng cau vươn thẳng, hương hoa cau thơm ngát là đề tài cho nghệ sĩ sáng tác thi ca lay động con tim của bao người…

Sơn Tây núi non điệp trùng dưới trời thu xanh thẳm. Chim hót véo von trong vòm cây hòa cùng gió ngàn xào xạc. Nước từ khe, suối róc rách chảy qua vách đá tựa tiếng đàn Krâu hòa cùng điệu dân ca Ranghé, Kalêu ngân vọng xa xa. Những cung đường uốn lượn như tranh vẽ. Đèo dốc trập trùng, mây trắng vờn bay trên đỉnh núi, đẹp mơ màng. Những bộ trang phục thổ cẩm được dệt từ đôi tay khéo léo của phụ nữ Ca Dong, Hrê và Cor như điểm thêm sắc vào màu xanh núi rừng.

 Những thửa ruộng bậc thang nối nhau trùng điệp, nhà sàn bên sườn núi đẹp tựa bức tranh thủy mặc làm cho lữ khách đắm say. Hồ chứa nước thủy điện Đăk Drinh như tấm gương khổng lồ phẳng lặng soi bóng núi đồi hùng vĩ. Những khe nhỏ từ lòng núi góp nước thành suối đổ vào sông Drinh để bàn tay và khối óc bao người xây dựng thủy điện hòa vào lưới điện quốc gia. Sông Drinh góp nước với ba dòng là sông Rhe, Xà Lò và sông Tang tạo nên Trà Giang thơ mộng tắm mát cho nhiều cánh đồng ở Quảng Ngãi. Sản vật từ những dòng sông: cá niên, don, cá bống cát, thài bai… được chế biến nhiều món ngon khiến cho người đời xuýt xoa khen ngợi khi thưởng thức. Dòng nước trong xanh sau khi lắng đọng phù sa nâng cánh tâm hồn bao thi sĩ dâng cho đời những vầng thơ trác tuyệt, lưu mãi với thời gian.

Nhà sàn của người dân vùng cao bên sườn núi
Nhà sàn của người dân vùng cao bên sườn núi


Tiết thu, núi rừng se lạnh. Nhưng tấm chân tình của người vùng cao làm ấm lòng khách phương xa. Những cụ già với làn da sạm đen, cơ thể rắn chắc như thân cau già niềm nở chuyện trò dưới mái nhà sàn. Cuộc đời các cụ trải qua bao thăng trầm bên núi rừng nên tỏ tường lắm chuyện để kể lại cho cháu con. Chiến tranh loạn lạc, cư dân trong làng lẩn vào rừng cây, hang đá tránh bom đạn. Bao người xót lòng khi máy bay Mỹ rải chất độc hóa học hủy diệt rừng xanh. Mắt họ đẫm lệ, nháo nhác như chim mất tổ, chấp chới giữa trời bao la. Chiến tranh đi qua, họ cùng nhau dựng lại ngôi nhà sàn, ươm trồng những mầm cau. Rừng lại xanh mướt giữa đất trời miền sơn cước. Những thân cau gầy vươn cao như muốn ôm lấy mây ngàn. Bản làng rộn ràng niềm vui. Tiếng đàn Krâu hòa cùng điệu dân ca Ranghé, Kalêu với những bước chân nghiêng ngả bên ánh lửa hồng trong đêm hội...

Sơn Tây vẫy gọi những người con miền xuôi đến với núi rừng. Họ là giáo viên vượt núi trèo đèo mang tri thức đến với trẻ em vùng cao, là chiến sĩ công an gìn giữ yên vui cho bản làng... Họ tựa nhịp cầu kết nối tình cảm đôi miền xuôi - ngược. Đêm thu se lạnh. Tôi cùng những người bạn miền xuôi sinh sống nơi này nhâm nhi rượu nếp cẩm, thưởng thức món cá chình nấu chuối rừng bên suối nước Lác. Từng giọt rượu phảng phất hương rừng từ loại nếp có màu tím sẫm được trồng bên dốc núi cheo leo, thấm dần vào cơ thể. Thịt cá chình ngọt thơm hòa cùng vị chát của chuối lưu mãi nơi đầu lưỡi. Gió núi như tiếng thì thầm của rừng đêm vọng về. Nước suối rì rầm chảy tựa lời ru đại ngàn tự cả ngàn năm. Đêm ấp áp nghĩa tình lưu trong lòng bao thương nhớ.

Ngày lại lên khi đêm chìm sau đỉnh núi mờ xa. Tôi ngắm nhìn dáng cau vươn thẳng lên trời xanh khi rời xứ sở ngàn cau. Nụ cười của sơn nữ e ấp sau vách nhà sàn. Những cái nắm tay thật chặt của người già và bạn bè như lời nhắn nhủ với miền xuôi rằng, dẫu cách trở nhưng lòng không xa cách. Cõi lòng chợt bâng khuâng, chẳng muốn chia xa./.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.