Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xuân Ất Tỵ "xông đất" Trại rắn Đồng Tâm

Chính Tâm - 17:00, 02/02/2025

Nam bộ vừa ráo những cơn mưa cuối mùa, cũng là lúc tiết trời chuyển sang Xuân. Đón năm Ất Tỵ, chúng tôi quyết định “xông đất” Trại rắn Đồng Tâm - nơi đây được xem là “vương quốc” của các loài rắn ở Việt Nam, đang bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hàng trăm loài khác nhau. Đây cũng là nơi điều trị người bị rắn cắn và là một trong những điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong mỗi dịp ghé thăm xứ sở miệt vườn Tiền Giang trù phú.

 Kỹ thuật viên của Trại rắn Đồng Tâm là quân nhân chuyên nghiệp
Kỹ thuật viên của Trại rắn Đồng Tâm là quân nhân chuyên nghiệp

Nơi nuôi rắn, cứu người

Từ Trung tâm TP. Cần Thơ, sau khoảng 2 tiếng đồng hồ đi đường, chúng tôi đến Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 (hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm). Trại rắn đóng ở tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây đang bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hàng trăm loài khác nhau, trong đó có nhiều loài rắn quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo chân Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Danh Hiếu, chúng tôi tận mắt chứng kiến những “khu nhà” của các loại rắn. Là người gắn bó với rắn suốt 25 năm nay, trong đó có nhiều loài rắn cực độc, Thượng uý Hiếu chia sẻ rằng, mỗi con rắn ở đây đều được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt; các nhân viên ở trại rắn được ví như là những “bảo mẫu”, hằng ngày tỉ mỉ, cẩn thận chăm sóc để rắn thích nghi và phát triển tốt nhất.

“Mỗi ngày, làm việc ở đây đều đối mặt với nguy hiểm. Chỉ cần sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ rất lớn. Nhưng với tình yêu nghề và mong muốn cứu sống người bị rắn cắn, anh em chúng tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Không chỉ cứu người, Trại rắn Đồng Tâm còn tổ chức các chương trình tuyên truyền cho Nhân dân về cách xử lý khi bị rắn cắn, giúp giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống”, Thượng úy Hiếu cho biết.

Mỗi lần lấy được từ 1 - 2 giọt nọc độc dùng để chế biến huyết thanh điều trị rắn cắn
Mỗi lần lấy được từ 1 - 2 giọt nọc độc dùng để chế biến huyết thanh điều trị rắn cắn

Đến Trại rắn Đồng Tâm, du khách không chỉ được tận mắt nhìn thấy rất nhiều loài rắn khác nhau, mà còn có cơ hội chứng kiến các kỹ thuật viên thực hiện quy trình lấy nọc rắn dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị rắn độc cắn. Theo Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn, mỗi năm, Khoa Điều trị rắn cắn tiếp nhận khoảng 1.000 ca cấp cứu, trong đó hơn 80% bị rắn độc cắn.

“Nhờ huyết thanh chiết xuất, bào chế từ nọc rắn mà tỷ lệ cứu sống đạt 100%. Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng thu dung, điều trị rắn cắn, giảm viện phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đến cấp cứu và điều trị”, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Không chỉ “nuôi rắn, cứu người”, Trại rắn Đồng Tâm hiện còn trồng và phát triển hơn 60 cây thuốc Nam. Đây là nơi bảo tồn dược liệu quí hiếm, là nơi nuôi trồng và lưu giữ cây, con giống để cung cấp cho các đơn vị trong quân đội cũng như những cơ sở y tế địa phương trong khu vực.

Du khách rất thích thú chụp ảnh với các loại rắn có tính hiền được nuôi dưỡng tại Trại rắn Đồng Tâm
Du khách rất thích thú chụp ảnh với các loại rắn có tính hiền được nuôi dưỡng tại Trại rắn Đồng Tâm

Điểm du lịch xứ sở miệt vườn

Trong xu hướng phát triển du lịch trải nghiệm, Trại rắn Đồng Tâm đang trở thành một điểm du lịch độc đáo ở Tiền Giang, địa phương được mệnh danh là “xứ sở miệt vườn”. Cùng với những ngôi chợ nổi, những vườn trái cây trĩu quả, những khu du lịch sinh thái độc đáo thì Trại rắn Đồng Tâm đem lại những trải nghiệm đầy mới mẻ và khác lạ cho du khách.

Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết, những năm gần đây, trại rắn trở thành điểm đến tham quan của người dân trong tỉnh và các khu vực lân cận. Nhất là vào những ngày sau Tết, bình quân mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách tham quan, trong đó khoảng 30% trẻ em.

Theo Trung tá Hưng, Trại rắn Đồng Tâm đem đến một không gian tham quan, tìm hiểu về các loài rắn khác nhau rất đặc sắc khiến trẻ nhỏ lẫn người lớn đều vô cùng thích thú. Tại đây được chia thành 3 khu vực chăm sóc rắn chính, gồm: khu vực hồ nước, khu nuôi rắn độc và khu nuôi trăn. Mỗi khu vực đều có một mục đích riêng nhằm tạo nên một môi trường nuôi dưỡng và phát triển rắn được tốt nhất.

Kỷ thuật viên Trại rắn Đồng Tâm với những màng trình diễn cùng các chú rắn hổ mang
Kỷ thuật viên Trại rắn Đồng Tâm với những màng trình diễn cùng các chú rắn hổ mang

Ngoài ra, với khuôn viên phủ đầy cây xanh rộng lớn, thoáng mát, Trại rắn Đồng Tâm khai thác thêm mô hình nhà nuôi thú và vườn chim tựa một vườn bách thú với đa dạng các loài như gấu, beo đến khu hươu, nai, ngựa, đà điểu, chim kiểng… trong đó các loài rắn và trăn chiếm số lượng chủ yếu.

Với những lợi thế riêng biệt đó, Trại rắn Đồng Tâm được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Điểm Du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, là Điểm Du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long. Bình quân mỗi năm Trại rắn Đồng Tâm đón hơn 200 nghìn lượt khách tham quan; trong đó, có hơn chục nghìn lượt khách quốc tế.

Theo Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm Nguyễn Duy Hưng, giai đoạn 2019 - 2024, đơn vị 3 lần được Bộ tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu “Đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng” (năm 2019, 2022, 2023); được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen năm 2021, 2022 và Cờ thi đua xuất sắc năm 2023 vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đây là sự ghi nhận, đồng thời cũng là sự kỳ vọng, nhắc nhở để đơn vị quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Các sản phẩm dược liệu được điều chế từ nọc rắn của Trại rắn Đồng Tâm
Các sản phẩm dược liệu được điều chế từ nọc rắn của Trại rắn Đồng Tâm


Trại rắn Đồng Tâm được thành lập ngày 27/10/1977, với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp 408. Đến năm 1988, Xí nghiệp 408 mở rộng và đổi tên thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm. Qua gần 50 năm hoạt động, Trại rắn Đồng Tâm đã cấp cứu và điều trị an toàn cho hơn 25.000 nạn nhân bị rắn cắn, xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam “Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Ngày Tết nghĩ chuyện nếp nhà

Ngày Tết nghĩ chuyện nếp nhà

Tết Việt, cùng bao biến thiên của thời gian, từ những giao thoa cũ, mới như một quy luật tất yếu, vẫn còn đó vẹn nguyên trong tâm thức mỗi người những điều xưa cũ thật khó đổi dời. Tết vẫn như một lời hẹn ân cần, một niềm háo hức sum vầy, xốn xang…