Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đón Tết với người T’rin

Lê Phương - 00:12, 29/01/2020

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu Xuân, chúng tôi ngược đường rừng đến xã Yang Ly, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) để được đắm mình trong núi rừng trùng điệp và cảm nhận không khí đón Tết của người T’rin (một nhánh của người Cơ-ho)...

Lúa rẫy năm nay được mùa, người T’rin ăn Tết vui hơn.
Lúa rẫy năm nay được mùa, người T’rin ăn Tết vui hơn

Tộc người bí ẩn dưới chân núi Yang Ly

Theo một số tài liệu nghiên cứu người T’rin đến sinh sống ở Khánh Hòa cách đây khoảng vài trăm năm, là một nhánh của người Cơ-ho ở Lâm Đồng. Họ có tiếng nói nhưng không có chữ viết riêng, ngôn ngữ của tộc người này thuộc hệ Môn Khmer.

Hiện nay, người T’rin sống tập trung ở xã Yang Ly, với gần 340 hộ, khoảng hơn 1.500 nhân khẩu; một số ít nữa sống ở xã Sơn Thái. Nét riêng của người T’rin so với các DTTS khác, là theo chế độ phụ quyền. Con trai được đặt tên theo họ cha, con gái được đặt tên theo họ mẹ. Người T’rin chỉ có hai họ để phân biệt, con trai mang họ Hà và con gái mang họ Cà. Trang phục của người T’rin là sự kết hợp giữa trang phục người Cơ-ho và người Chăm.

Người T’rin có những luật tục rất độc đáo, như chủ nhà phạt vạ khách. Già làng Hà A Dá giải thích: khách đến nhà phải được đồng ý của chủ. Sau đó, chính người chủ nhà phải mở cửa tiếp đón khách một cách chu đáo. Nếu người nào vô tình xâm phạm đến nhà người khác, hoặc tự tiện tháo chốt, tháo cửa xuống để vào nhà thì bị xem là vi phạm luật tục và sẽ bị phạt. Nhẹ nhất là một con gà và ché rượu, nặng có khi là trâu, bò.

Già làng Hà A Dá (bên phải) ủ những bình rượu cần ngon nhất để đón Tết.
Già làng Hà A Dá (bên phải) ủ những bình rượu cần ngon nhất để đón Tết

Cùng với luật tục phạt vạ khách, người T’rin có thêm luật tục khách phạt vạ chủ nhà. Khi khách đến chơi nhà thì chủ phải tiếp đãi cẩn thận là dĩ nhiên. Nhưng nếu đang tiếp chuyện với khách mà vô tình con, cháu của chủ nhà đi ngang qua trước mặt hoặc phía sau lưng khách, thì chủ nhà bị phạt một đôi gà, có trống có mái và một ché rượu cần. “Đây là luật tục của người đồng bào T’rin từ xưa truyền lại nên già cũng không giải thích được nguyên do. Nhưng có một điều ẩn sau những luật tục này đó chính là sự tôn trọng của khách dành cho chủ nhà và bài học về sự giáo dục con cái phải biết phép tắc, ứng xử đối với người khác”, già Dá, cho biết thêm.

Cuộc sống tràn sức Xuân

Anh Huỳnh Trung Hương, Bí thư Đảng ủy xã Yang Ly khẳng định: “Thay đổi lớn nhất là những căn nhà định canh, định cư được xây dựng gần nhau dọc 2 bên đường. Hiện Yang Ly không còn cảnh nhà cửa rải rác nữa. Trước kia đi từ hộ này đến hộ kia mất 1, 2 tiếng đồng hồ, bà con ở cách xa nhau quá con em không đi học được”.

Hiện tại, thu nhập chính của người dân từ bắp và mì, nhưng dự đoán tương lai sẽ là cây bưởi da xanh. Chị Cà Minh, ở thôn Gia Rít cho hay: Trước đây bà con chỉ biết trồng mì, bắp và lúa rẫy nhưng giờ được xã vận động chuyển đổi cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi da xanh nên nhiều bà con đã làm theo. Như nhà mình đây cũng trồng được gần 2ha bưởi rồi đấy. Tuy mới một vụ nhưng thấy hiệu quả lắm.

Một góc Khu tái định cư Gia Lợi, xã Yang Ly.
Một góc Khu tái định cư Gia Lợi, xã Yang Ly

Những năm gần đây, nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, bộ mặt nông thôn Yang Ly có nhiều thay đổi. Anh Pi Năng Sơ Mít, cán bộ địa chính xã Yang Ly chia sẻ: Phần lớn các con đường giao thông liên thôn, vào khu sản xuất được nâng cấp và bê tông hóa. Nhà nào cũng có điện thắp sáng, nước sạch sử dụng và ti vi để xem. Trẻ em bậc tiểu học ra lớp trên 99%. Một số tập tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ, thay vào đó là nếp sống văn hóa lành mạnh đang hình thành và phát triển. Đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy, bà con đón Tết đầy đủ, ấm áp hơn.

Mỗi khi Tết đến - Xuân về, tuy không mua sắm nhiều như người miền xuôi, nhưng các gia đình ở đây đều chuẩn bị Tết từ rất sớm. Đầu tiên họ chuẩn bị các vườn rau xanh, một số gia đình còn trồng hoa xung quanh nhà cho đẹp. Rượu cần là thức uống gần như không thể thiếu đối với người T’rin. “Tết với người T’rin là dịp giáo dục con cháu biết sống kính trên nhường dưới; động viên, nhắc nhở nhau quý trọng cuộc sống ấm no như hôm nay và phấn đấu, nỗ lực lao động hơn nữa để ngày càng khấm khá hơn”, già làng Hà A Dá bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.