Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Mùa xuân trên “Đồi nhân ái”

Hà Văn Đạo - 10:02, 15/01/2020

Mỗi sáng, dời những căn nhà bình yên và ấm cúng trên “Đồi nhân ái”, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Đồng), những thân phận bệnh tật lại hướng về phía bình minh. Với họ, ngày mới mở ra đồng nghĩa với niềm tin được nhen thêm như những tia nắng xuân ấm áp…

Lớp trẻ làng phong đã khỏe mạnh, không bệnh tật
Lớp trẻ làng phong đã khỏe mạnh, không bệnh tật

Ngôi làng đặc biệt

Trải qua 71 mùa Xuân, bà Rượu thấm hiểu những đớn đau khi gánh trên mình bệnh tật. Cũng hơn ai hết, bà hiểu tận cùng hai chữ “hạnh phúc” khi được cứu rỗi từ vực thẳm của đớn đau. 

Lật từ hồi ức, bà Rượu tâm tình: “Đồi nhân ái” là cách gọi thân thương của nhiều người dành cho Trại phong Di Linh (hay Trung tâm điều trị phong Di Linh). Cũng vào ngày Xuân năm 1926, rong ruổi qua nhiều vùng đất miền Thượng để nghiên cứu, trái tim của vị Giám mục - bác sĩ người Pháp Cassaigne (1895 - 1973) đã bật lên những khát vọng đậm tình bác ái, khi tận mắt thấy những thân phận éo le đầy mặc cảm, chân tay lở lói, cứ thấy người lạ là chạy hút vào rừng sâu như thể những nơi cô quạnh, hẻo lánh nhất mới là thế giới của họ. 

Suốt nhiều đêm xuân không ngủ, ông Cassaigne xuyên rừng cầm những bàn tay đang rỉ máu, những bàn chân rụng dần từng đốt để băng bó, chữa trị, ý tưởng thành lập trại phong hình thành. Năm 1929, Trại phong Di Linh chính thức được khai sinh. 

Từ một ngôi nhà nhỏ giữa bạt ngàn cà phê và xanh thẫm cây rừng dành cho một số bệnh nhân phong đầu tiên sinh sống, điều trị, những người Mạ, người Cơ-ho, Raglai, Kinh từ các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận… nhanh chóng được bác sĩ Cassaigne cùng các y tá của mình “gom” về. Số bệnh nhân tăng dần theo năm tháng, nhà được xây thêm, chẳng mấy chốc mang vóc dáng của làng. 

Cuộc đời nọ nối tiếp cuộc đời kia ở Trại phong Di Linh nhớ từng câu phương ngôn trong lời tuyên bố của bác sĩ Cassaigne khi ông chịu nhiều áp lực, cản ngăn vì việc làm của mình: Chúng ta không thể vì bảo thủ nguyên tắc vệ sinh theo lối mô phạm khắt khe mà giày xéo lên tình người. Tôi phải đứng ra lo cho họ vì họ quá khốn khổ. Không chữa trị, những người bệnh phong sẽ cụt chân, cụt tay, họ sẽ gục ngã trong cô quạnh…

Những mạch nguồn ấm áp

“Đồi nhân ái” được chia làm hai khu, với gần 90 hộ gia đình, chủ yếu là người DTTS. Những căn nhà bình dị với nhiều lứa tuổi sinh sống xen kẽ trong những thửa vườn tốt tươi hoa trái biểu thị cho sức sống mới đang từng ngày được bồi đắp. 

Sau mỗi bậc cửa, những đôi tay lớp trẻ sinh ra lành lặn, khỏe mạnh đã tự biết chăm chút, tu bổ căn nhà của mình. Những cụ già ngồi nhẩm đếm tháng ngày đi qua, biến cố nhường lại cho niềm tin. Bao bọc quanh “Đồi nhân ái” còn có khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, trường mẫu giáo, nhà ăn, nhà thờ.

Hân hoan như thấy rõ sau mỗi mùa Xuân hạnh phúc lại lớn dần thêm, bác sĩ K’Brình bộc bạch: Mình sinh ra và lớn lên trong chính Trại phong này nên thấu hiểu hơn ai hết tất cả những thiệt thòi, tủi phận và nghị lực vươn lên không mệt mỏi của nhiều thân phận. Chính vậy nên, khi mình may mắn lành lặn, mình luôn tự nhủ với lòng, phải học thật giỏi và nung nấu một ý nghĩ duy nhất là thành bác sĩ để quay về chữa trị, sinh sống trên “Đồi nhân ái” này. 

Từ bỏ tất cả những chốn phồn hoa, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Y TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ K’Brinh khoác ba lô về lại trại phong lao vào chăm sóc sức khỏe cho người thân lẫn người làng mà từ ấu thơ anh đã xem như thân thuộc. 

Như sự tiếp nối mạch nguồn yêu thương và khát vọng khôi phục sức khỏe cho những bệnh nhân phong, nhiều thanh niên ở “Đồi nhân ái” vượt lên mọi mặc cảm, trở thành những y tá, y sĩ của làng như: Ka Thủy, Ka Rụng, Ka Riềm…

Tin cùng chuyên mục
Hà Tĩnh: Giải cứu thành công 2 nạn nhân bị dụ dỗ ra nước ngoài với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”

Hà Tĩnh: Giải cứu thành công 2 nạn nhân bị dụ dỗ ra nước ngoài với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”

Ngày 9/5, tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội giải cứu thành công 2 nạn nhân là công dân Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài, với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” và đưa các nạn nhân về đến Việt Nam an toàn.