Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xuôi ngược cơm thúng Lạc Sơn

Khánh Ngân - 19:48, 07/09/2021

Một thời, trên hành trình xuôi ngược những chuyến tàu chợ Vinh - Đồng Hới; Thừa Thiên Huế - Đồng Hới… không ai là không biết món “cơm thúng”. Ngày nay, trong vòng quay hối hả của thời đại 4.0, món cơm thúng vẫn tiếp tục được nhiều người lựa chọn vì tiện, nhanh mà ngon miệng. Nhu cầu người dùng tăng cao, nghề “cơm thúng” cũng theo đó mà thịnh hành, người làng Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vẫn rong ruổi khắp nơi với nghề “đội thúng” bán cơm.

Cơm thúng Lạc Sơn là nét văn hóa riêng biệt của Quảng Bình, không một nơi nào có
Cơm thúng Lạc Sơn là nét văn hóa riêng biệt của Quảng Bình

Đội cơm”qua muôn nẻo đường

Chúng tôi về thăm làng Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa một ngày đầu tháng 8, thời điểm này tỉnh Quảng Bình vẫn là vùng xanh trong đại dịch Covid-19. Những chốt chặn để đo thân nhiệt, khai bảo y tế để kiểm soát Codivi-19 đã được lập để chặn dịch từ xa. Tuy nhiên, những mặt hàng thiết yếu như cơm nước, thực phẩm, thuốc men… vẫn được hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đầu giờ sáng, những thúng “cơm đội” trên đầu theo bước chân những người phụ nữ làng Lạc Sơn ra xe khách, xe máy và cả đi bộ bắt đầu tỏa đi muôn nơi.

Đội thúng cơm gà trên đầu để lên đường, chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Tui (tôi - Pv) đi xuống Đồng Hới chú ạ, bán cũng được. Cơm thúng nhanh, sạch, lại ngon nên họ ăn nhiều lắm, không kể người lao động hay cán bộ gì hết. Thôi chú nhé, tui đi đã cho kịp xe”.

Dứt lời, đôi chân của chị Hạnh đã thoăn thoắt để kịp chuyến xe đò xuống Đồng Hới, bắt đầu một ngày rong ruổi với thúng cơm. Gia đình chị Hạnh có 2 người con đang tuổi ăn tuổi học. Từ ngày có nghề “cơm thúng”, đời sống gia đình chị cũng theo đó mà khá lên, có điều kiện để nuôi các con ăn học.

Chọn cho mình điểm bán gần nhà (ga Đồng Lê), nên tầm 9h sáng, chị Nguyễn Thị Hoa và chị Nguyễn Thị Lành bắt đầu hành trình “đội thúng” của mình ra ga Đồng Lê để phục vụ thực khách đi tàu, và những người làm việc ở thị trấn Đồng Lê thâu trưa. Xế chiều, khi thúng cơm trưa đã bán hết, các chị lại tất bật chuẩn bị cho bữa “cơm thúng” cuối ngày. Gà của “cơm thúng” Lạc Sơn được tuyển rất kỹ, phải là gà nuôi thả. Sau khi chọn gà, các gia đình làm “cơm thúng” Lạc Sơn làm thịt, nấu bằng bếp củi theo công thức gia truyền, cùng với dưa muối, dọc dừa hay măng cũng được chuẩn bị cẩn thận. Món gà cơm thúng làng Lạc Sơn ăn có vị thơm, thịt gà mềm, màu ngả vàng bắt mắt và ngon miệng.

Ông Nguyễn Xuân Tiền, Trưởng thôn làng Lạc Sơn chia sẻ với phóng viên: “Bà con lương, giáo hòa thuận, đùm bọc, cùng giắt nhau làm nghề “cơm thúng”. Bà con làm nghề cơm thúng xuất phát ở làng từ sáng sớm, đi bán khắp nơi, đến tối muộn mới về lại. Từ ngày có nghề, đời sống bà con cũng ổn hơn, bộ mặt làng cũng theo đó khang trang hơn”.

Thực tế, làng Lạc Sơn trở nên khá giả, sầm uất cũng một phần nhờ nghề “đội thúng”. Gia đình bà Nguyễn Thị Đường, trước đây làm nghề đốn củi và làm lúa, đời sống không lấy gì làm khá giả. Thế nhưng từ ngày theo nghề “đội thúng” bán cơm, gia đình bà đã đổi thay nhiều. Nhờ đó, gia đình bà Đường có điều kiện nuôi con ăn học đầy đủ. Gia đình bà Đường có 4 người con, thì 2 con đang học quân sự; 2 người con theo học sư phạm, tất cả đều nhờ vào thúng cơm rong ruổi của bà.

 Theo thống kê, làng Lạc Sơn, hiện có hơn 50 hộ gia đình theo nghề này. Có không ít hộ, ở địa phương khác, dù đã dời cả gia đình đến quê mới, vẫn hành nghề “đội thúng” bán cơm, mưu sinh.

Những thúng cơm bắt đầu lên những chuyến xe đò, tỏa đi muôn nơi
Những thúng cơm bắt đầu lên những chuyến xe đò, tỏa đi muôn nơi

Đến ở quê mới vẫn giữ nghề “đội thúng”

Món cơm thúng làng Lạc Sơn đã trở nên rất đỗi quen thuộc với nhiều vùng đất mới, người lựa chọn mỗi ngày một nhiều, việc đi lại cũng mất thời gian và bất tiện cho người hành nghề “đội thúng”. Tự tìm cho mình một hướng đi riêng để hành nghề “cơm thúng”, gia đình Chị nguyễn Thị Hải, đã chuyển cả nhà lên thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) vẫn giữ nghề “đội thúng” bán cơm từ năm 2010. Hiện nay “chị bán rất được” ở quê mới, thị trấn Quy Đạt.

Trời đã nhá nhem tối, tôi cũng sà vào thúng cơm của chị Hải, tự thưởng cho mình bữa tối với món cơm đùi gà Lạc Sơn. Thúng cơm của chị đặt ngay trên vỉa hè, đoạn trước cữa hàng tổng hợp thiết bị trường học thị trấn Quy Đạt. Với vài bộ bàn ghế nhựa đơn sơ, một thúng cơm, một nồi gà nóng hổi, vừa thoăn thoát lấy phần cơm cho tôi, chị Hải bộc bạch : “Người ở đây họ chọn cơm gà nhiều lắm, đi làm về họ ghé vào chỗ chị mua 50 nghìn gà, ít cơm là cả nhà có bữa tối. Mỗi ngày chị bán tầm 20 con gà, vài cân thịt lợn và 30 quả trứng”

Điểm đặc biệt của món “cơm thúng” Lạc Sơn, là gà được chặt riêng ra từng bộ phận, nấu chung với trứng nguyên quả, thịt lợn, đậu phụ. Ăn kèm với đó là dưa muối, măng hoặc dọc mùng…, với các loại gia vị bí truyền thơm ngon đến lạ. Tùy theo sở thích, ai ăn gì thì chọn lấy, đầu, cổ hay đùi thì tự chỉ, rồi chủ thúng lấy cho thực khách… Còn giá cả cũng rất “dễ chịu” và linh động, 20 nghìn đồng là có thể thưởng cho mình một suất cơm gà Lạc Sơn. Nếu người già mua thì 10 nghìn đồng, chủ thúng cũng bán.

Thúng cơm của chị Nguyễn Thị Hải ở thị trấn Quy Đạt được rất nhiều người ưa thích
Thúng cơm của chị Nguyễn Thị Hải ở thị trấn Quy Đạt được rất nhiều người ưa thích

Cũng giống như chị Hải, năm 2013, vợ chồng chị Lạc bồng bế 3 con nhỏ rời làng Lạc Sơn lên thị trấn Quy Đạt chỉ mang theo vẻn vẹn bí truyền của nghề “đội thúng” bán cơm. Cứ tầm 10 giờ sáng hàng ngày, chị đã có mặt tại ngã tư chợ Quy Đạt với thúng cơm đầy ú để bán cơm cho khách.

 Sau gần 10 năm làm nghề, các con của vợ chồng chị đã lớn, có người ra trường đi làm. Cuộc sống đã khá giả hơn trước nhiều, nhưng vợ chồng chị vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Dường như cái nghề này đã ăn sâu vào tiềm thức của chị, được đưa “nghề” của làng mình đi ra quảng bá, phục vụ thực khách là một niềm vui.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Nghề “đội thúng” bán cơm ở làng Lạc Sơn có khoảng từ năm 1982 - 1983. Ban đầu chỉ vài người bán, sau đó phát triển dần, đến nay có khoảng 50 hộ gia đình tham gia và đang có xu hướng tăng lên. Họ đi bán khắp nơi, Đồng Hới, Ba Đồn… rồi ngược núi lên cả thị trấn Quy Đạt. Đời sống bà con  lương, giáo trong làng theo nghề cơm thúng ngày càng khấm khá”

Cùng với thời gian, sở thích... món cơm thúng đang dần góp mặt trong cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân. Hiện nay, nó không còn là món ăn, mà nghề “đội thúng” bán cơm còn như một nét văn hóa riêng biệt của vùng đất Quảng Bình mà không nơi nào có. Ai đã từng ăn “cơm thúng” Lạc Sơn lâu ngày không trở lại đã thấy nhớ nhung!   

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.