Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Y Nhi Ksor Người họa sĩ của buôn làng

Hoàng Thùy - 10:11, 14/05/2021

Sinh ra ở buôn Sek, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk), trong ký ức của họa sĩ Y Nhi Ksor, buôn làng nơi ông sinh ra mang vẻ đẹp mê đắm lòng người. Đó chính là mạch nguồn cảm xúc giúp người họa sĩ tài hoa dân tộc Ê Đê tạo nên những tác phẩm mang đậm hơi thở đại ngàn với gam màu tươi sáng.

Họa sĩ Y Nhi Ksor (bên trái) thảo luận dự án tổ chức triển lãm tranh về chủ đề Tây Nguyên với họa sĩ Trương Văn Linh.
Họa sĩ Y Nhi Ksor (bên trái) thảo luận dự án tổ chức triển lãm tranh về chủ đề Tây Nguyên với họa sĩ Trương Văn Linh.

Mang theo ký ức quê nhà

Từ nhỏ Y Nhi đã nhạy cảm với nghệ thuật, ông thường hay lấy cành cây, viên đá ngẫu hứng vẽ trên nền đất đỏ những hình ảnh thân thuộc như chim chóc, núi rừng, cây cỏ và cảnh thân quen của buôn làng... Với họa sĩ Y Nhi, màu đất đỏ quê nhà như “toan vẽ” đầu đời và cũng là một trong những màu sắc chủ đạo trong tranh của ông sau này.

Sinh ra trong thời chiến tranh, 3 tuổi Y Nhi cùng cha mẹ thoát ly. Mỗi lần về thăm buôn làng đều để lại trong ký ức của ông những ấn tượng đặc biệt. “Hồi đó, làng tôi đẹp lắm! Rừng cây xanh ngắt, dòng suối trong vắt, nước chảy quanh năm. Nhà sàn xen lẫn với rừng, thiên nhiên và con người gần gũi biết mấy. Đêm đêm, mọi người quây quần bên bếp lửa nghe kể sử thi, nắm tay nhau nhịp nhàng điệu xoang bên ché rượu cần tỏa hương thơm nồng… Tất cả ký ức đó tôi luôn mang theo và cũng là nguồn cảm hứng để tôi sáng tạo nghệ thuật”, họa sĩ Y Nhi bộc bạch.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông mới về quê sinh sống và tiếp tục đi học. Tốt nghiệp THPT, Y Nhi quyết định thi vào ngành hội họa Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.

Trong một lần đạp xe đến các buôn làng tìm tư liệu, cảm hứng làm bài thi tốt nghiệp, ông ngủ lại một đêm xem lễ hội tại buôn Đung, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo. Ít ngày sau ông đã hoàn thành bức tranh “Hội xoang Aráp”, tái hiện nếp sống văn hóa của dân tộc Ê Đê. Bức tranh giúp ông đạt điểm cao nhất trong số các bài tốt nghiệp ngày ấy. Cũng từ đây, ông quyết định chọn chủ đề Tây Nguyên, vẽ để giữ lại cái hồn văn hóa dân tộc.

Chảy mãi mạch nguồn dân tộc

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế năm 1988, Y Nhi về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Ban ngày ông bận rộn với công việc giảng dạy. Đêm xuống ông lại đóng cửa để vẽ, sống với đam mê. Bằng tình yêu văn hóa dân tộc, sự hồn hậu của một tâm hồn luôn đau đáu về nguồn cội ông lần lượt cho ra đời những tác phẩm mang đậm hơi thở đại ngàn Tây Nguyên. Từ khung cảnh người dân lên rẫy gieo hạt qua tác phẩm “Mùa gieo hạt” đến niềm vui của họ khi vụ mùa bội thu ở tác phẩm “Được mùa”; niềm vui của bà con buôn làng qua “Hội làng”, “Đi dự hội”, “Múa hội” hay tình yêu của những chàng trai, cô gái Ê đê trong truyền thống văn hóa qua “Lễ trao vòng”… được giới hội họa đương đại chú ý và đánh giá cao.

Trong số những bức tranh vẽ về Tây Nguyên, “Sự nổi giận của Nữ thần mặt trời” ông dành nhiều tâm huyết nhất. Bức tranh này thai nghén nhiều năm, dồn nén biết bao cảm xúc của người họa sĩ của buôn làng.

Ông kể: Ở buôn làng ông có một ngọn núi tên Dli Yang rất linh thiêng, bao quanh chân núi là các dòng suối mát lành như dòng sữa mẹ nuôi sống buôn làng. Người dân buôn làng tôi giữ gìn bằng những câu chuyện huyền bí, phá rừng, chặt cây sẽ bị thần lình trừng phạt. Vì thế, mà bao đời qua bà con Ê Đê không ai canh tác, không chặt cây trên núi Dli Yang.

“Nhưng năm 1989 tôi về làng thì núi thiêng đã thành đồi trọc, rừng đã bị phá sạch, các dòng suối quanh chân núi khô cạn. Rồi lũ lụt, ô nhiễm môi trường… xảy ra khắp nơi. Đó là do con người không biết trân trọng thiên nhiên khiến Nữ thần mặt trời nổi giận. Tôi muốn nhắc nhở con người phải biết nhớ đến cội nguồn, gìn giữ truyền thống văn hóa, bảo vệ thiên nhiên, môi trường”.

Năm 2000, bức “Đi dự hội” đạt giải A tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, là cột mốc đáng nhớ đưa ông vào hàng ngũ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Không chỉ thành công với mảng đề tài về Tây Nguyên, họa sĩ Y Nhi Ksor khẳng định bản thân với bạn bè quốc tế khi ông vinh dự được Hội Mỹ thuật Việt Nam mời tham gia sáng tác tranh để triển lãm tại Phần Lan nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Phần Lan. 3 tháng nghiên cứu sử thi Kalevala của Phần Lan ông cho ra đời tác phẩm “Giành lại Sam pô”. Cùng với 2 bức tranh khác tham gia triển lãm này, Y Nhi đã để lại ấn tượng trong giới hội họa.

Họa sĩ Y Nhi về hưu tháng 9/2020, sau bao năm miệt mài giảng dạy mỹ thuật. Tuy vậy, học trò yêu mỹ thuật ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước vẫn tìm đến nhà ông xin học. Ngoài thời gian dạy, ông lại tiếp tục thực hiện dự định, kế hoạch đã ấp ủ nhiều năm. 

Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.