Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Yên Bái: Hợp tác xã kiểu mới "phá" cách thức sản xuất độc canh đơn lẻ

Minh Thu - 12:15, 08/11/2022

Thời gian qua, việc quan tâm, hỗ trợ phát triển các mô hình Hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đã giúp các thành viên HTX, người nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt từ hoạt động của HTX đã phá cách thức sản xuất độc canh đơn lẻ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo hiệu quả.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tìm hiểu các sản phẩm đặc sản của các HTX trên địa bàn tỉnh
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tìm hiểu các sản phẩm đặc sản của các HTX trên địa bàn tỉnh

Phá thế độc canh trong sản xuất

Áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất độc canh đơn lẻ, sản xuất kinh doanh truyền thống sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, tạo được những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện là hướng đi mới của nhiều HTX kiểu mới ở tỉnh Yên Bái.

Như ở huyện Văn Yên, từ năm 2019, HTX Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi) đã áp dụng khoa học, công nghệ tái chế phế phẩm công nghiệp để sản xuất dầu FO bằng việc đầu tư Nhà máy sản xuất dầu F0-R trên diện tích 10.000m2. Hằng năm, Nhà máy xử lý trên 6.000 tấn phế phẩm công nghiệp các loại và cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 tấn sản phẩm.

Nhà máy sản xuất dầu FO-R của HTX Thắng Lợi
Nhà máy sản xuất dầu FO-R của HTX Thắng Lợi

Ông Nguyễn Hữu Ký, Giám đốc HTX Thắng Lợi chia sẻ: Nhờ sản xuất nhiên liệu từ cao su phế liệu theo công nghệ nhiệt phân, giá thành sản phẩm dầu F0-R do Nhà máy sản xuất giảm 30% so với sản phẩm nhập khẩu. Dây chuyền của Nhà máy còn tận dụng thu hồi một số sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất như than, thép, gas... để tái sản xuất. Hiện, tổng doanh thu của HTX đạt bình quân 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Tại huyện Lục Yên, HTX Thái Sơn, đứng chân trên địa bàn xã Tân Lĩnh với mô hình HTX kiểu mới đã đầu tư máy móc, thiết bị cho sản xuất, chế biến cây ăn quả. HTX đã liên kết với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm bảo tồn phát triển một số giống cây đặc sản của vùng miền như: cam sành, hồng không hạt, cây dược liệu quý và cung cấp các loại giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.

 Đồng thời, tổ chức liên doanh, liên kết và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc, vừng, đỗ tương cho các thành viên HTX và người dân. Ngoài các sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, một số sản phẩm của HTX Thái Sơn đã được bình chọn và đạt giải Nhất, Nhì cho “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái” các năm 2018 và 2021.

Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thái Sơn cho biết: Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, UBND huyện Lục Yên, tổ tư vấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, đã giúp HTX cải thiện hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. Từ đó, định hướng đến những thị trường mới, nâng cao chất lượng, hình ảnh thương hiệu sản phẩm.

Một số sản phẩm OCOP khác của Hợp tác xã Thái Sơn được khách hàng ở nhiều địa phương tin dùng, đặt mua qua sàn thương mại điện tử.
Một số sản phẩm OCOP khác của Hợp tác xã Thái Sơn được khách hàng ở nhiều địa phương tin dùng, đặt mua qua sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển HTX kiểu mới

Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển các mô hình HTX kiểu mới, từ năm 2021 đến nay, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, đã lựa chọn hỗ trợ xây dựng 3 mô hình HTX kiểu mới đó là HTX Quế Khánh Thành, huyện Trấn Yên (Dự án đầu tư hệ thống lò sấy hơi với tổng vốn đầu tư 209 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 22% tổng trị giá của dự án là 50 triệu đồng); HTX Nông nghiệp Vũ Thịnh, huyện Văn Chấn (Dự án đầu tư mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ sản xuất cây măng tây xanh của HTX Vũ Thịnh với tổng giá trị 72 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng); HTX nông nghiệp sạch T And D, huyện Mù Cang Chải (tổng giá trị đầu tư là 179 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Nhà nước là 50 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn của HTX).

Việc Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, tư vấn các HTX ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua việc hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án, mô hình đã giúp các HTX giảm chi phí, hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. 

Cùng với đó là cải tiến quy trình sản xuất, canh tác, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm cho người lao động… Hiện nay, các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị đang tiếp tục phát triển; nhiều mô hình HTX kiểu mới được hỗ trợ hoạt động hiệu quả, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và trở thành mô hình HTX điển hình tiên tiến của tỉnh Yên Bái.

Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thái Sơn (đứng giữa) kiểm tra công đoạn đóng gói, dán tem sản phẩm dầu lạc đỏ (Ảnh: Báo Yên Bái)
Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thái Sơn (đứng giữa) kiểm tra công đoạn đóng gói, dán tem sản phẩm dầu lạc đỏ (Ảnh: Báo Yên Bái)

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Yên Bái khẳng định: Các HTX kiểu mới góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng hoạt động được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh, sẽ chủ động đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng, tham mưu cho tỉnh tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ, tư vấn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghệp 4.0, ứng dụng công nghệ số.

 Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới mới gắn với chuỗi giá trị trên quy mô lớn tại vùng DTTS và miền núi, nâng cao vai trò của các chủ thể tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp HTX ổn định được đầu ra, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...