Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Yên Bái: Khai thác hiệu quả văn hóa truyền thống dân tộc trong phát triển du lịch

Văn Hoa - 5 giờ trước

Yên Bái là địa phương có một kho tàng văn hóa truyền thống của các dân tộc phong phú, đa dạng. Theo đó, thời gian qua, Yên Bái có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ nhằm biến những giá trị văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực phát triển du lịch, từng bước khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam và được thị trường du lịch thế giới và khu vực biết tới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu, du khách nắm tay nhau hòa thành vòng xòe bất tận tại Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe thành trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2022.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu, du khách nắm tay nhau hòa thành vòng xòe bất tận tại Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2022.

Kho tàng văn hóa độc đáo

Đến với thị xã Nghĩa Lộ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của cánh đồng lúa Mường Lò (lớn thứ 2 Tây Bắc), dòng Nậm Thia hiền hòa, những tuyến đường hoa ban rực rỡ, những ngôi nhà sàn truyền thống, ẩn chứa trong đó là những nét văn hóa độc đáo của người Thái nơi đây.

Nếu may mắn, du khách sẽ được tham gia vòng Xòe bất tận đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; được chứng kiến những nghệ nhân ưu tú miệt mài sưu tầm, truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình như dạy chữ Thái cổ, dạy múa xòe, dạy chế tác và sử dụng khèn bè cho thế hệ trẻ; được ngắm nhìn những bộ trang phục dân tộc độc đáo của người Thái, người Mông trong mỗi bản, làng, trong các trường học vào ngày thứ 2 hàng tuần hoặc các ngày lễ lớn của địa phương…

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết, thị xã Nghĩa Lộ có thế mạnh, là nơi hội tụ nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đặc biệt là dân tộc Thái. Mường Lò vốn được mệnh danh là vùng đất tổ của người Thái đen. Vì vậy, nhiều năm qua, thị xã đã xây dựng thương hiệu du lịch trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là bước đi lâu dài, bền vững cho du lịch thị xã, hướng tới xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch, xứng tầm là trung tâm văn hóa - thương mại - du lịch phía Tây của tỉnh.

Yên Bái có nhiều chính sách đặc biệt nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch (Ảnh: Thanh Bình, Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái)
Yên Bái có nhiều chính sách đặc biệt nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch (Ảnh: Thanh Bình, Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái)

Bên cạnh đó, Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc. Hàng năm, thị xã quan tâm mở các lớp dạy chữ Thái cổ, dạy múa xòe, dạy chế tác và sử dụng khèn bè của người Thái; trong đó, chú trọng đến đối tượng là thế hệ trẻ. Đưa nghệ thuật Xòe Thái vào các trường học, tạo thành nét sinh hoạt đặc sắc.

Nhờ giá trị cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo, năm 2023, thị xã Nghĩa Lộ đã đón và phục vụ 303 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế 26 nghìn lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 275 tỉ đồng, vượt kế hoạch đã đề ra. Năm 2024, thị xã phấn đấu đón 320 nghìn lượt khách du lịch, trong đó 45 nghìn khách quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 290 tỉ đồng.

Tương tự, nhờ khai thác những tiềm năng thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa và con người để phát triển du lịch, số lượt khách du lịch đến với huyện Mù Cang Chải tăng qua từng năm. Nếu như năm 2022, Mù Cang Chải đón trên 350 nghìn lượt khách du lịch, mang lại doanh thu hơn 270 tỉ đồng; thì năm 2023, số khách du lịch đến với huyện là 365 nghìn lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 355,8 tỷ đồng, đạt trên 121,7 % kế hoạch, vượt kì vọng của huyện.

Độc đáo ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Ảnh TL)
Độc đáo ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Ảnh TL)

Kết quả đó, là nhờ huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động lễ hội gắn với nét văn hóa, phong tục tập quán và cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của địa phương, trọng tâm là các hoạt động như: du lịch mùa nước đổ, chinh phục cảnh quan thiên nhiên, văn hóa Mù Cang Chải; Lễ hội khám phá Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, Lễ hội Hoa Tớ dầy, thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, tổ chức các chương trình văn nghệ bản sắc vào các tối thứ 7 hàng tuần…

Cùng với đó, Mù Cang Chải đã xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, như phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản sắc; hỗ trợ các gia đình làm dịch vụ homestay; phát triển các sản phẩm nông nghiệp thương hiệu đạt tiêu chuẩn OCOP để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…

Đặc biệt, Mù Cang Chải chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, mở các lớp truyền dạy nghề trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tăng cường liên kết, hợp tác trong phục hồi du lịch; trang bị wifi miễn phí tại các địa điểm, khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, trải nghiệm tại Mù Cang Chải.

Hiện nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Như huyện Văn Yên nỗ đẩy mạnh việc bản tồn văn hóa người Phù Lá ở xã Châu Quế Thượng; xây dựng thương hiệu du lịch từ Lễ tết rừng người Mông xã Nà Hẩu. 

Huyện Văn Chấn tạo được sức lan tỏa rất lớn với Lễ hội trà Shan tuyết - lễ hội đầu tiên của cả nước vinh danh trà tuyết cổ thụ gắn với văn hóa các dân tộc địa phương; huyện Lục Yên thực hiện tốt việc thu hút khách du lịch với các lễ hội truyền thống rất đặc sắc, như Lễ hội Pay Tái, Xo May, Cắc Kéng;...

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, Yên Bái đang là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước (Ảnh TL)
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, Yên Bái đang là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước (Ảnh TL)

Động lực để du lịch phát triển 

Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái:  Để  mục tiêu phát triển du lịch xanh gắn với bản sắc văn hóa, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống, cụ thể: Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2030”.

Đặc biệt, hiện nay tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 6 về "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025..

Có thể thấy, với định hướng phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế du lịch thế giới đó là chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, khai thác trải nghiệm giá trị văn hóa bản địa; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe dựa vào tài nguyên thiên nhiên, du lịch tỉnh Yên Bái đang dần "định vị" trong lòng du khách. 

Theo đó, lượng khách du lịch tăng qua từng năm: Nếu năm 2020 khách du lịch đến Yên Bái là 760.000 lượt, thì năm 2023 địa phương đón 2.088.000 lượt khách (tăng 174,7% ). Doanh thu du lịch năm 2020 đạt 475 tỷ đồng, năm 2023 đạt 1.721 tỷ đồng (tăng 262,3%). Dự kiến, năm 2024, Yên Bái phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỉ đồng.


Tin cùng chuyên mục
Giữ lửa cho nghề rèn của dân tộc Mông ở Điện Biên

Giữ lửa cho nghề rèn của dân tộc Mông ở Điện Biên

Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên không chỉ thể hiện sự tài hoa khéo léo của người thợ khi cho ra lò những sản phẩm tinh xảo, có giá trị sử dụng cao, mà còn thể hiện nét riêng có về bản sắc văn hóa. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Điện Biên đã có thêm nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư từng bước đưa nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông trở thành sản phẩm du lịch.